Tuesday 7 December 2010

Có hay không sự ảnh hưởng của tiếng Anh trong tiếng Việt hiện đại?

Tóm tắt báo cáo:
Gần đây trên báo chí, diễn đàn thỉnh thoảng lại rộ lên một đợt tranh luận về “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Hội thảo này cũng là một chứng minh cho điều đó. Người viết bài này muốn kiểm định liệu tiếng Anh có ảnh hưởng tới tiếng Việt hiện đại không và nếu có thì mức độ nào, tác động của sự ảnh hưởng này tới đâu với người dùng và nó có thực sự ảnh hưởng tới tiếng Việt một cách đáng báo động như vẫn được đề cập hay không? Bài viết dựa trên các quan sát cá nhân về việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày và tiếng Anh trong các phương tiện truyền thông. Người viết cũng chú ý tới hiện trạng này ở một số ngôn ngữ lớn và nhỏ khác trên thế giới thông qua nhận xét của giáo giới Anh ngữ thế giới và chính hiện tại của tiếng Anh, vốn được coi là nguyên nhân chính đe dọa sự trong sáng của các ngôn ngữ thế giới nói chung, tiếng Việt nói riêng trong thời đại toàn cầu hóa.

Abstract
There have recently been debates on the need for linguistic purism in the Vietnamese language. This conference is an example of this. The author of this paper would like to see if there is any influence of the English language on modern Vietnamese and the extent it may impose and whether it is indeed alarmingly affecting the language as it is warned. The remarks given are generally based on personal observations on daily use of the English vocabulary by both individuals and the media in accordingly personal and formal settings. The author has also illustrated the common pictures of different languages in the world and of the English language itself, which is claimed to be solely responsible for the “contamination” of world languages, Vietnamese in particulary, in the time of globalisation.

Có hay không sự ảnh hưởng của tiếng Anh trong tiếng Việt hiện đại?
Trần Thị Lan

Đặt vấn đề:

Gần đây trên báo chí, diễn đàn thỉnh thoảng lại rộ lên một đợt tranh luận về “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Hội thảo này cũng là một chứng minh cho điều đó. Người viết bài này muốn kiểm định liệu tiếng Anh có ảnh hưởng tới tiếng Việt hiện đại không và nếu có thì mức độ thế nào, tác động của sự ảnh hưởng này tới đâu với người dùng và nó có thực sự ảnh hưởng tới tiếng Việt một cách đáng báo động như vẫn được đề cập hay không? Bài viết dựa trên các quan sát cá nhân về việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày và tiếng Anh trong các phương tiện truyền thông, cụ thể là một số báo điện tử và báo in. Các con số thống kê sơ bộ chỉ mang tính minh họa và được tiến hành với sự kết hợp của hỗ trợ máy tính và thủ công. Để minh họa cho vấn đề này, người viết cũng chú ý tới hiện trạng này ở một số ngôn ngữ lớn và nhỏ khác trên thế giới thông qua nhận xét của giáo giới Anh ngữ thế giới và chính hiện tại của tiếng Anh, vốn được coi là nguyên nhân chính đe dọa sự trong sáng của các ngôn ngữ thế giới trong thời đại toàn cầu hóa này.

1. Tiếng Việt liệu có bị mất trong sáng bởi các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Việt không?

Xét một cách tương đối thì chưa bởi trong suốt quá trình hình thành và phát triển của tiếng Việt, một số lượng từ vựng khổng lồ đã được du nhập và đã được Việt hóa. Cụ thể, kho tàng từ vựng Hán Việt với những biến đổi phát âm, khiến cho chính những người Trung Hoa bản địa hiện đại khó mà nhận biết các từ nguyên gốc Hán khi giao tiếp. Trong khi đó, với nhiều người Việt, các âm tiếng Hán vẫn có thể đoán nhận tương đối dễ dàng (điện thoại, thành (phố), hội họa, hội thoại, Trung Quốc, giảng sư, lão bà v.v.). Tương tự thế, một số từ Pháp cũng đã được Việt hóa một phần hoặc toàn phần (âm, nghĩa) mà người Việt khi nghe tiếng Pháp thì đoán ra, nhưng không hẳn thế với người Pháp (xà phòng, xi lanh ). Những từ du nhập từ tiếng Hán và số ít hơn từ tiếng Pháp thực sự đóng góp lớn cho vốn từ vựng tiếng Việt, làm giàu ngôn ngữ Việt.

Tại sao có hiện tượng lo ngại về sự mất trong sáng của tiếng Việt hiện đại? Theo một số người (Dương Tường, Hoàng Hà, Trịnh Sâm, Nguyễn Văn Tình v.v.) thì đó là sự lạm dụng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) trong giao tiếp hàng ngày hoặc khi chát chít - nói/tán chuyện trực tuyến (mà chính các tác giả cũng dùng những từ tiếng Anh như chat-chit). Sự “lạm dụng” này được thể hiện ở một số nhóm người và có vẻ càng ngày càng lan rộng hơn, từ tầng lớp thấp tới “tầng lớp trí thức”, từ “vỉa hè” tới “công sở” (Hoàng Hà). Gọi là lạm dụng bởi ngay khi từ đó có thể có tiếng Việt tương ứng nhưng người nói vẫn muốn dùng tiếng Anh, đơn giản theo họ, đó là sự “sính ngoại”, là lầm tưởng về sự “sành điệu”, và thậm chí là “mô đen” (Dương Tường ), tuy nhiên trong một số trường hợp, có thể thuần túy là do dùng từ tiếng nước ngoài nhanh gọn hơn, hoặc do thói quen của những người sống lâu trong môi trường ngoại ngữ, hoặc môi trường có những người nước ngoài. Một số trường hợp khác là ngôn ngữ thể hiện phong cách của giới trẻ, một phong cách của “teen”.

Có thể nói, hầu hết các bài viết trên các báo đều thể hiện thái độ khá là “thù địch” và được dùng với nhiều ngôn ngữ thiếu thiện cảm với người dùng ngôn ngữ pha trộn, thậm chí buông những lời chỉ trích nặng tính chủ quan, thậm chí phi lí như “khó ai người ngoài có thể hiểu được họ đang nói chuyện gì”. Chủ quan và phi lí bởi vì những ví dụ được trích dẫn từ những cuộc nói chuyện hoàn toàn mang tính cá nhân của những người trong một phạm vi không gian giới hạn nào đó, một bối cảnh phi chính thống (informal) và những chủ thể giao tiếp có khả năng hiểu nội dung và hoàn toàn có quyền cá nhân, tuân thủ theo qui ước riêng, và do đó, những người ngoài “vòng” giao tiếp đó không nhất thiết cần phải hiểu ngôn ngữ không dành cho mình. Điều này, đương nhiên, sẽ nên được phê phán trong bối cảnh chính thống, hoặc phổ quát với đa số các chủ thể giao tiếp khác.

2. Tiếng Anh có ảnh hưởng thế nào đối với tiếng Việt?
Có thể thấy việc sử dụng, nhiều khi lạm dụng tiếng Anh khá rõ ràng trong tiếng Việt, từ ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của lứa tuổi thanh thiếu niên nơi công sở, tại các diễn đàn trực tuyến, qua các quảng cáo, biển hiệu trên đường phố tới các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo điện tử. Một mặt tiếng Anh có vẻ như mang người Việt tới thế giới nhanh hơn, và làm cho giao tiếp gọn hơn nhưng nó cũng để lại không ít phiền toái và quan ngại. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của nó với tiếng Việt hiện đại thế nào và thực sự nó có khả năng gây ảnh hưởng và đáng quan ngại không cũng đòi hỏi được nghiên cứu một cách thỏa đáng, đa chiều trước khi đưa ra những kết luận chủ quan, khiên cưỡng, cảm tính.

2.1. Thống kê trang nhà/ trang đầu (homepage) một số báo điện tử.
Người viết bài này đã làm những phép thống kê sơ bộ với một số báo điện tử phổ biến tại Việt Nam (vnMedia.vn, Vietnamnet.vn, VnExpress.net, tienphong.com.vn, tuoitre.com.vn, nhandan.com.vn, hanoimoi.com.vn, dantri.com.vn, BBC tiếng Việt và có so sánh với một số báo in tương ứng (Nhân Dân, Hà Nội mới).

Các trang nhà của các báo đã nêu trên được sao lại qua máy tính trong cùng một ngày xuất bản và được dán lại trong winword (chương trình soạn thảo văn bản) và nhờ máy tính tính tổng kí tự. Sau đó, phương pháp thủ công được dùng để đếm trực tiếp các từ tiếng Anh, hoặc loại bỏ phần tiếng Việt rồi dùng hỗ trợ của máy tính, đếm số từ hoặc kí tự bằng tiếng Anh. Kết quả như sau:
Báo Tổng số kí tự Số kí tự tiếng Anh Tỉ lệ
VnExpress 2577 261 10.1 %
Bbc.co.uk/vietnamese 1118 102/47* 9.12 %
VnMedia 2766 249 9.0 %
Vietnamnet.vn 2039 159 7.70 %
Tuoitreonline 1336 57/63* 4.27 %
Tienphongonline 1285 47 3.66 %
Dantri.com.vn 1758 59/36* 3.36 %
Laodong.com.vn 1784 53 2.97%
Nhandanonline 3412 53/ 20* 1.55 %
Thanhnien.com.vn 3412 32/56* 0.94 %
* Số lượng kí tự Anh ngữ khác nhau ở các ngày khác nhau.

Có thể nhận xét rằng, việc sử dụng từ tiếng Anh trong các báo hiện đại là có thật mặc dù với tần suất khác nhau. Các từ tiếng Anh được sử dụng với nguyên kí tự tiếng Anh, không hoặc lẻ tẻ có chuyển tự tiếng Việt. Các từ tiếng Anh – hầu hết là tên riêng, tên công ti, các thuật ngữ - được dùng chủ yếu liên quan tới các lĩnh vực công nghệ thông tin, thể thao, văn hóa, du lịch, giáo dục, giải trí, và đặc biệt là quảng cáo các loại sản phẩm ô tô, xe gắn máy, mỹ phẩm, hoặc các tin được dịch từ tiếng nước ngoài (tiếng Anh, hoặc đã dịch qua tiếng Anh) Trong phần này, hầu hết tên riêng nước ngoài giữ nguyên kí tự tiếng Anh, bao gồm cả tên cá nhân, tổ chức, công ti cũng như tên sản phẩm. Có những tên riêng được giữ nguyên ở các thứ tiếng như Ý hay Tây Ban Nha.

Các mục có ít hoặc trống vắng tiếng Anh thường liên quan tới chính trị, kinh tế Việt Nam và hầu hết những gì liên quan tới đời sống xã hội của người Việt, do tác giả Việt viết, không phải bài dịch từ tiếng nước ngoài, hoặc tin tức không liên quan tới các yếu tố nước ngoài.

2.2. Thống kê lượng từ tiếng Anh trong một số bài viết cụ thể:
Bên cạnh việc thống kê trang nhà (một ngày cụ thể), người viết có chọn thống kê cá biệt ngẫu nhiên một số bài viết ở các báo điện tử khác nhau và ở các chuyên mục khác nhau. Kết quả như sau:

Tên bài báo – Mục A* B** Tỉ lệ (±)

Oscar2010: Avatar chẳng bao giờ vượt qua được Titanic - Văn hóa 1227 441 36.24 %
Vòng 24 Premiership - Thể thao 1212 140 11.55 %
Nga phát hành tiền xu mệnh giá 50.000 rúp bằng vàng - Kinh tế 209 19 9.10 %
Apple iPad sao chép máy tính của Trung Quốc ? - Công nghệ 736 66 8.97 %
Saigontourist đón hơn 2.000 khách du lịch tàu biển - Du lịch 245 15 6.13 %
Ngô Bảo Châu khích lệ giới trẻ làm khoa học cơ bản - Giáo dục 1964 59 3.00 %
Sao náo nức vì thành công của phim Tết - Văn hóa 652 13 1.99 %
Sách giáo khoa tiếng Anh online đầu tiên tại Việt Nam - Giáo dục 580 10 1.70 %
Truy đuổi chiếc Lexus 'điên' mang ba chân dài bí ẩn - Xã hội 521 7 1.34 %
“Mười mấy năm qua tôi chỉ bù lỗ ” – Đại biểu quốc hội 1473 0 0%
Nghiên cứu cơ chế ưu đãi đặc thù phát triển Đà Nẵng - Chính trị 414 0 0%
Về Tứ Xã xem “Linh tinh tình phộc ” – Thời sự 759 0 0%
* Tổng số kí tự tiếng Việt , ** Tổng số kí tự tiếng Anh

Các bài lựa chọn theo mục của trang báo. Ở mỗi mục, tác giả chọn ngẫu nhiên một hoặc hơn một bài báo để thống kê số từ tiếng Việt và tiếng Anh.

Có thể nói, ở các mục liên quan tới các yếu tố nước ngoài có số lượng từ tiếng Anh khá dày. Nếu mỗi từ tiếng Anh được coi tương ứng với một ô trống thông tin thì số lượng ô trống này đôi khi dày đặc (xem bảng, với tỉ lệ khoảng 36%), khó có thể nói nó không cản trở tới quá trình tiếp nhận thông tin.

Để kiểm nghiệm giả định này, người viết đã đưa ra những câu hỏi nhanh với một số đối tượng có trình độ tiếng Anh trung bình (IELTS quốc tế 5.5) về thái độ của họ với các từ tiếng Anh và chiến lược xử lí thông tin của họ. Hầu hết những người được hỏi trả lời, họ không cảm thấy hứng thú nhiều khi phải đọc những bài tiếng Việt có quá nhiều từ tiếng Anh, nhất là khi những từ đó khó và thiếu phương tiện tra cứu. Trong những trường hợp đó, họ không có con đường nào khác là “lờ” và chấp nhận các khoảng trống thông tin. Rất nhiều tên riêng tiếng Anh bình thường cũng có thể gây trở ngại với những người giỏi tiếng Anh nhưng không có kiến thức nền về vấn đề được tiếp xúc, ví dụ nghề nghiệp, hay lứa tuổi, hay giới tính. Rõ ràng, ở đây, người làm truyền thông chưa thể hài lòng về chất lượng dịch vụ cung cấp thông tin của mình.

Tương tự thế, người viết tình cờ nghe một số bản tin trên đài tiếng nói Việt Nam trên xe buýt có sử dụng tiếng Anh và tiếng nước ngoài (Pháp) thì thấy rõ ràng là có khá nhiều “ô trống thông tin” bởi cách phát âm chưa chuẩn của phát thanh viên, dù là một tên riêng hay địa danh nào đó, hoặc là một đoạn dài bằng tiếng nước ngoài không được dịch sang tiếng Việt.

Nếu so sánh mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng thì có vẻ rõ ràng là những người lạm dụng tiếng Anh trong môi trường phi chính thống (giao tiếp cá nhân) không gây ảnh hưởng tới cộng đồng nói chung và tiếng Việt nói riêng bằng những người làm việc trong giới truyền thông. Nếu tiếng Việt đang bị “bôi bẩn” thì độ vấy bẩn từ những người làm truyền thông với ngôn ngữ nhiều hơn so với những cá thể trong môi trường của riêng họ hoặc trong ngôn ngữ đặc biệt là nói/tán chuyện trực tuyến (chat). Điều này đáng suy nghĩ và cần phải có giải pháp thực tế để giảm thiểu những lối tiếp cận chưa đúng khi dùng ngôn ngữ.

2.3. Thống kê các trang báo in tương ứng.
Tác giả bài viết này tiến hành khảo sát sơ bộ với một số trang báo in phổ biến như Nhân Dân, Hà Nội Mới và một số báo tết khác. Ở các ấn phẩm báo tết (Bưu điện Việt Nam, Phụ nữ Việt Nam, Đại đoàn kết ….) lượng từ tiếng Anh viết nguyên vẫn là phổ biến, giống như báo điện tử, dù mức độ từ vựng Anh ít hơn, do chủ đề báo tết ít động chạm tới các yếu tố nước ngoài nên ít có cơ hội cho tiếng Anh hay các thứ tiếng ngoài tiếng Anh “xâm nhập”.

Có thể nói, có sự khác biệt rõ ràng về số lượng từ tiếng Anh trong các báo điện tử và báo in hàng ngày. Nếu bài báo điện tử có số lượng tiếng Anh dày đặc thì tình hình có vẻ sáng sủa hơn ở một số nhật báo in. Ví dụ, ở báo Nhân Dân, hầu như các từ nước ngoài nói chung, tiếng Anh nói riêng, được viết theo một qui tắc thống nhất, có phiên âm và dùng gạch nối, kể cả tên riêng dù đó là mục văn hóa, thể thao. Đặc biệt, với các bài nghị luận chính trị xã hội có thể thấy sự thiếu vắng tiếng Anh hầu như tuyệt đối. Điều này chứng tỏ, mặc dù tiếng Anh được sử dụng khá thoải mái trong giao tiếp của một bộ phận xã hội và ở trên một số mục của các trang báo điện tử, nó vẫn chưa có thể gây ảnh hưởng gì đáng kể với ngôn ngữ truyền thông truyền thống (báo in). Tình hình này cũng thấy ở một số tiếng khác như tiếng Nga, tiếng Trung, hay tiếng Nhật.

2.4. Quan sát đường phố
Hà Nội có đại đa số các tuyến phố, đường ghi hoàn toàn bằng tiếng Việt và có một số tuyến đường trung tâm được ghi tên bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp theo một dự án của Pháp tài trợ. Điều này chứng tỏ thái độ khá cởi mở và thân thiện với người nước ngoài, trái ngược với các đường phố lớn của các nước như Nga, Trung, Nhật – những nước có văn tự đặc biệt và cản trở nhiều với những du khách không biết những ngôn ngữ đó.

Đường phố Hà Nội, ngược lại, dày đặc tiếng Anh trên các biển hiệu dù là văn phòng tư nhân hay nhà nước. Đặc biệt, xuất hiện những kiểu tiếng Việt bị Anh hóa như Vinh Giày (so sánh với Giày Thượng Đình), Nhật Ánh mỹ phẩm (so sánh với Mỹ phẩm Hàn Quốc), Thái (Thái Lan) Chăn Ga Gối Đệm (so sánh với Chăn Ga Gối Đệm Thái Lan) v.v. hay các tên hiệu gây choáng (shock) cho người qua đường bằng cả hai thứ tiếng như Sex Fashion . Ngoài ra, tình trạng tiếng Anh với tiếng Việt sai chính tả khá phổ biến. Cá biệt có những biển hiệu ghi nhiều hơn một thông báo bằng tiếng Anh (Toilet – Nhà Vệ Sinh – WC ở công viên Thống Nhất).

Việc dùng tiếng Anh kết hợp ở biển hiệu bằng tiếng nước ngoài pha trộn một mặt tạo cảm giác thân thiện và hữu ích nhất là với các đối tượng nước ngoài không biết tiếng Việt. Tuy nhiên, khi chăng gắn biển hiệu, trừ khi có chủ ý, cần thiết phải chú ý tới mức độ chuẩn mực về ngôn ngữ và hữu dụng với người tiếp nhận thông tin. Ví dụ, với những khách hàng đa dạng thì có thể dùng kèm tiếng Anh, nhưng sẽ là thừa nếu những sản phẩm hướng tới những người Việt. Những lỗi về văn phạm một cách sơ ý có thể mang lại hiệu ứng ngược, nhất là với những khách hàng cao cấp, có trình độ văn hóa và trình độ ngoại ngữ.

3. Tiếng Anh có ảnh hưởng thế nào đối với các thứ tiếng khác trên thế giới?
Có thể nói không có mấy nước lại không có người than phiền vì tình hình dùng và lạm dụng tiếng Anh cùng ảnh hưởng của văn hóa Anh-Mỹ với nền văn hóa các nước trên thế giới (Đức, Nhật, Hàn, Slavơ: Nga, Ukraina, Serbia, hay Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Armenia, Thổ Nhĩ Kì v.v.). Nhật Bản là một nước luôn tiếp thu cái mới của thế giới bên cạnh việc gìn giữ truyền thống của mình thì trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày họ vay mượn, pha trộn đủ thứ không chỉ là những thuật ngữ khoa học kĩ thuật, khộng chỉ dùng tiếng Anh với sự chuẩn mực mà còn “sai văn phạm” . Ví dụ, cuto, gesto, bagetto, incenchibu (incentive), komiunikeshon (communication), purezenteshon (presentation), intanetto (internet), rajio (radio) etc. - “là những từ tiếng Anh với cách phát âm chệch theo kiểu Nhật, khiến những người lớn tuổi khó mà hiểu nổi”. Tuy nhiên, có thể thấy rằng khi du nhập các từ tiếng Anh, dường như người Nhật có một sự lựa chọn phù hợp với một mục đích hay một quan niệm nào đó. Chẳng hạn, tiếng Nhật có từ tsukue – cái bàn, nhưng vẫn vay mượn từ teburu, hay kamu – tóc, nhưng lại dùng từ hea; túi xách – kabang – bagu, xe hơi – car – kuruma, maika - my car – Xe tôi

Tình hình tương tự với tiếng Armenia , hay tiếng hệ Slavo. Theo Yuliya Melnyk thì ảnh hưởng của tiếng Nga và hiện nay tiếng Anh trong tiếng Ukraina là “rất mạnh” và“rộng khắp” trong mọi phương diện, đôi khi chúng được giữ nguyên như tiếng Anh, như boyfriend, girlfriend, weekend, face, happy end, upgrade, browser, e-mail, mailbox, hacker v.v.. nhưng rất nhiều trường hợp, chúng được chuyển tự sang tiếng Ukraina, nhất là những từ có chung gốc tiếng Anh và có tiếp tố tiếng Nga, ví dụ, mastdait – must die với hậu tố tạo động từ “it” nghĩa “chỉ trích”, hay “smailik, gốc “smile” kết hợp với hậu tố tạo danh từ -ik, nghĩa “biểu tượng”. Hay có một số từ bị chuyển nghĩa lẫn lộn Anh – Nga, ví dụ từ mylo tiếng Nga có nghĩa là “xà phòng” nhưng trong tiếng Nga hiện đại ở Ukraina thì nó có nghĩa là thư điện tử - mylo – gần giống nhau về phát âm (mưlơ – mê-lơ). Dù khá cởi mở với hiện tượng này, Melnyk cũng thẳng thắn thừa nhận, “tôi muốn những người Sla-vơ không quên ngôn ngữ của chính mình và không vay mượn từ khi thực sự không cần thiết” .

Ở châu Mỹ La tin, các nước nói tiếng Bồ Đào Nha (Brazil) hay Tây Ban Nha ở các nước Venezuela, Honduras, hay ngay tại Tây Ban Nha cũng cảm nhận rõ ràng sự ảnh hưởng của tiếng Anh đối với ngôn ngữ và văn hóa của họ. “Nhiều người Brazil bắt đầu nghĩ rằng toàn cầu hóa là mối đe đoạ với nền các văn hóa và các ngôn ngữ bản địa” (Corte ). Và ở Venezuela, theo Alice Ortiz , “tiếng Anh đã thực sự phổ biến với một ngôn ngữ pha trộn được dùng trong cuộc sống hàng ngày” (faxiar – to fax – gửi phách; clickear – to click – nhấn chuột; Okay, Vamos – Được rồi, chúng ta đi thôi, hay Voy a comprar unos jeans in el mall” - “I’m going to buy some jeans in the mall” – “tôi sẽ mua quần bò ở trung tâm thương mại”) và “tôi cảm giác việc vay mượn từ tiếng nước ngoài là một phần của tiến hóa ngôn ngữ và khó mà có thể cản nổi trào lưu này” (Corte, đã dẫn).

Tuy nhiên, với tiếng Đức, một mặt người ta thừa nhận và chỉ trích việc lạm dụng tiếng Anh trong tiếng Đức hiện đại, dùng ngôn ngữ pha trộn Anh-Đức (Denglish), thậm chí gọi chúng là “Mỹ hóa” và kêu gọi “bảo vệ văn hóa khỏi tác động của điện ảnh Hollywood, Internet và của tiếng Anh” nhưng Volquardts vẫn tiếp nhận cởi mở với các lí do khá hợp lí như là “yếu tố kĩ thuật” – không có từ tương đương, thói quen của giới trẻ và “thế giới ngày nay dường như nhỏ hơn”, “tình hình thế giới thay đổi, ngôn ngữ thường xuyên thay đổi”, dù “cần thiết phải bảo vệ ngôn ngữ của mình không để nó bị suy thoái”, mặc dù “tôi không nghĩ điều này có thể xảy ra”. Chia sẻ điều này, rằng “tiếng Anh có thể ảnh hưởng, nhưng tiếng Đức vẫn tồn tại an toàn”, và “tiếp tục phát triển” là Nathan Bierma trên Chicago Tribune

4. Tiếng Anh và sự tiếp nhận ngôn ngữ thế giới.
Ngôn ngữ luôn gắn liền với sự phát triển của lịch sử. Và lịch sử phát triển của tiếng Anh qua các thời kì được thể hiện khá rõ ràng qua lượng từ vựng vay mượn khổng lồ từ các thứ tiếng Hy Lạp, La Tinh, Đức, Pháp và sau này là Ý, Nhật, Hán, Nga v.v. Sự vay mượn này thể hiện rõ không chỉ ở lượng từ vựng, các tiếp tố tạo lập từ gốc Hy Lạp, La Tinh, Pháp mà cả những hiện tượng ngữ pháp còn thấy rất rõ ràng như biến đổi danh từ theo số và giống còn lại trong tiếng Anh hiện đại (curriculum, datum, phenomenon, bacterium, medium v.v. (giống đực, số ít) thành curricula, data, phenomena, bacteria, media v.v.), hay alga, vita (giống cái, số ít) thành algae, vitae, và giống trung tempo thành tempi. Sự vay mượn này có thể được giữ nguyên cách phát âm, chính tả của tiếng bản địa hoặc có các biến thể song song tồn tại (restaurant, entrepreneur, reservoir, Akansas, Illinois). Theo một số nguồn trên mạng (internet) thì lượng từ tiếng Pháp tồn tại trong tiếng Anh có khoảng 30000 từ, và một người Anh bất kì không học tiếng Pháp có thể sở hữu khoảng 15000 từ tiếng Pháp. Một số từ tiếng Pháp được giữ nguyên kí tự tiếng Anh, là một bộ phận không thể thiếu trong từ điển tiếng Anh, được dùng rộng rãi trong sách vở, ngôn ngữ văn học, ngoại giao và cũng gây khó khăn cho nhiều người nhưng chúng lại làm nên sự đặc biệt của tính cởi mở trong ngôn ngữ Anh .

Tuy nhiên trong tiếng Anh ít thấy các nhà ngôn ngữ học than phiền về lịch sử “vay mượn” ngôn ngữ của mình, mà thực tế hiện nay xuất hiện những nghiên cứu cảnh báo (Salkeld ) xã hội về ngôn ngữ của thanh thiếu niên thời công nghệ thông tin, khi họ quen dùng ngôn ngữ ngắn gọn, chít chát, hoặc ngôn ngữ của tin nhắn điện thoại khiến số lượng từ thường xuyên của giới trẻ bị giới hạn ở mức cực thấp. Điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân người dùng loại ngôn ngữ đó như là mất việc làm do khác biệt giữa ngôn ngữ đó với ngôn ngữ xã giao. Mặc dù có nghiên cứu cụ thể nhưng bản thân kết luận và khuyến cáo đó cũng chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi của giới trẻ.

Kết luận.

1. Ảnh hưởng của tiếng Anh với các thứ tiếng trên thế giới là rõ ràng và tạo thành trào lưu chung trên thế giới. Sự ảnh hưởng này có thể thấy rõ trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày và càng ngày người ta càng chứng kiến sự Anh hóa, Mỹ hóa trong ngôn ngữ và văn hóa thế giới.

2. Ảnh hưởng của tiếng Anh với tiếng Việt không nằm ngoài trào lưu chung trong tiến trình toàn cầu hóa, khi Anh ngữ được sử dụng và được khuyến khích sử dụng rộng rãi hơn. Sự ảnh hưởng này thông qua các ảnh hưởng văn hóa như phim ảnh, giải trí, công nghệ thông tin, vô tuyến truyền hình, thương mại toàn cầu, khoa học kĩ thuật v.v. có vẻ càng ngày càng lớn hơn.

3. Ảnh hưởng của tiếng Anh với tiếng Việt xảy ra phổ biến ở các phương tiện truyền thông trực tuyến với số lượng độc giả hạn chế (trước mắt), những người có khả năng tiếp cận với các trào lưu văn hóa thế giới, có liên quan tới tiếng Anh, mà chưa xảy ra ở diện rộng, nhất là với một số phương tiện truyền thông truyền thống. Việc sử dụng rộng rãi tiếng Anh ở các phương tiện truyền thông điện tử trong một chừng mực nào đó có thể chấp nhận được (dễ dàng hơn trong sử dụng các công cụ tìm kiếm điện tử). Tại thời điểm hiện tại, do đó, có thể chưa cần phải quá lo lắng về vấn đề sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện đại nói chung và ảnh hưởng của tiếng Anh nói riêng với tiếng Việt và có lẽ, cũng chưa cần phải quá quan tâm khi đặt vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hiện đại, ít nhất trong một hai thế hệ gần đây. Tuy nhiên, nếu vấn đề chưa được nhìn nhận đúng, thì sự ảnh hưởng tới ngôn ngữ một cách tự nhiên sẽ diễn ra trong tương lai có thể nhìn thấy được. Ngôn ngữ luôn phát triển và tiến hóa tự nhiên theo vận động của cuộc sống, của con người, của xã hội. Sự phát triển này có thể theo chiều hướng tốt, nhưng cũng có thể theo chiều hướng xấu, nếu không được định hướng đúng.

4. Ảnh hưởng của tiếng Anh với tiếng Việt là tất yếu và dường như không thể ngăn cản nhưng có thể được điều chỉnh thông qua, hoặc, phát hành các qui ước thống nhất, luật chính tả, luật giao tiếp giáo dục, hoặc, giáo dục ngôn ngữ nhằm nâng cao nhận thức về việc sử dụng tiếng Anh phù hợp với môi trường, bối cảnh và quan hệ giao tiếp. Nghiên cứu để đưa ra các cảnh báo về hậu quả khi lạm dụng tiếng Anh trong giao tiếp xã hội với lợi ích của chính bản thân mình như một số các nhà ngôn ngữ học Anh đã làm với giới trẻ Anh là cần thiết.

5. Ảnh hưởng của việc lạm dụng tiếng Anh trong truyền thông thông qua việc dùng nguyên các từ tiếng Anh hoặc tiếng nước ngoài, gây cản trở trong giao tiếp với một số người, có thể để lại những ô trống thông tin với nhiều người khác và có khả năng tác động xấu tới chuẩn mực ngôn ngữ, do đó đây là lĩnh vực cần phải để tâm chỉnh đốn nhiều hơn .

Monday 25 January 2010

'Teen' và 'tin'

Cập nhật lúc 06:27, Thứ Ba, 26/01/2010 (GMT+7)
,
- Hiện nay, trong giao tiếp, người Việt ta sử dụng khá nhiều từ của tiếng nước ngoài, nhất là của tiếng Anh. Đã có nhiều bài viết bàn về việc ủng hộ hay hạn chế sự “hội nhập” này.

Ở đây tôi chỉ xin bàn riêng về cách đọc các từ được du nhập của tiếng Anh hay tiếng Pháp vào tiếng Việt mà thôi.



Việc phát âm từ “teen” là "tin" hiện nay rất phổ biến và không gây một sự hiểu lầm nào cả.
Ảnh: An Bang
Trong bài “Album hay Anbum” (báo Lao Động Cuối Tuần số 42/2009), tôi đã ủng hộ việc viết từ này theo nguyên gốc tiếng Anh, nghĩa là viết “album” và đọc từ này là “an-bum”. Tức là chúng ta viết từ này đúng như cách viết của tiếng Anh (và cả tiếng Pháp), nhưng chúng ta đã Việt hóa cách đọc của nó. Ta không đọc đúng như phát âm của tiếng Anh là /’ælbəm/, mà ta đã chọn cách đọc “gần với tiếng Việt hơn”.

Như vậy, ta có thể viết nhiều từ tiếng Anh đúng hệt nguyên gốc kiểu như từ “album” này. Nhưng ta không nên đọc theo cách phát âm chính thức của các từ ấy trong tiếng Anh. Vả lại, nếu muốn đọc đúng hệt cách phát âm của người bản ngữ thì cũng có điều phiền phức là ta sẽ không biết là nên đọc theo giọng Anh hay đọc theo giọng Mỹ.

Với xu hướng này, chúng ta cứ đọc “teen” là “tin”. Như vậy, ngày nay trong tiếng Việt có hai từ khác nhau có cùng một cách phát âm là “tin”. Một từ viết là t-i-n mang nghĩa tin tức, tin tưởng. Còn một từ viết là t-e-e-n mang nghĩa tuổi thiếu niên (teen). Việc phát âm từ “teen” theo xu hướng này hiện nay rất phổ biến và không gây một sự hiểu lầm nào cả.

Với từ “fan” (người hâm mộ), cả hai cách đọc “phan” và “phen” đều chỉ gần đúng so với cách đọc /fæn/ của người bản ngữ, nhưng ta nên đọc là “phan” vì nó tự nhiên hơn đối với tiếng Việt.

Với từ “mail” (thư từ), nếu cân nhắc giữa “meo” và “mêu” trong tiếng Việt, thì ta nên chọn “meo” vì cách đọc này gần với cách phát âm gốc hơn. Tất nhiên ta bỏ qua phụ âm cuối “l” của nó.

Trên đài phát thanh hay đài truyền hình, tôi thấy khi phát âm từ “show”, có người đọc nhẹ thành “xâu”, có người đọc uốn lưỡi thành “sâu” theo giọng nói của một số vùng ở miền Trung hoặc miền Nam. Theo tôi, chúng ta đã chấp nhận việc Việt hóa trong cách phát âm của nhiều từ khác thì cũng nên Việt hóa cách đọc của từ này, có nghĩa là nên đọc “show” là “sâu”. Cũng phải nói thêm rằng, ở miền Bắc thường không có sự khác biệt khi phát âm hai từ “sâu” và “xâu”. Như vậy, ta có thể đọc “live show” là “lai-sâu” (hay “lai-xâu”), chứ không nhất thiết phải cố phát âm chuẩn theo tiếng Anh là /laivʃəu/.

Theo xu hướng Việt hóa cách đọc các từ tiếng Anh qua các ví dụ trên thì từ “resort” (khu nghỉ mát) có thể đọc là ri-sót. Ta không cần cố gắng đọc đúng theo phát âm trong tiếng Anh của từ này là /ri:’zɔ:t/.

Tuy nhiên, chúng ta không nên dùng các từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ở dạng nguyên gốc khi lâu nay chúng ta đã Việt hóa cả cách nói và cách viết của chúng. Ví dụ như quần soóc (shorts), xê ri (series – tiếng Anh, série – tiếng Pháp), váy (jupe), lăng xê (lancer)... như nhiều từ tiếng Pháp đã được Việt hóa hoàn toàn như ô tô buýt (autobus), bơ (beurre), pho mát (fromage), xà phòng (savon), cao su (caoutchouc), săm (chambre), lốp (enveloppe)…

Việc du nhập các từ nước ngoài vào tiếng Việt là một quá trình có thể nói là tự nhiên. Song, chúng ta nên du nhập một cách thận trọng.

Tôi nhớ có một thời gian khá dài, nhiều người dùng một cách thiếu chính xác từ “speaker” để chỉ người dẫn chương trình trong văn nói và cả trong văn viết. Rất may là người ta đã sớm nhận ra là “speaker” không có nghĩa này. Vì thế, hiện nay không ai sử dụng một cách sai lầm như thế nữa.
Nguyễn Thế Giang