Friday 8 May 2009

Cổ phần hóa trường học, lỗ hổng chết người

Cổ phần hoá trường học và các "lỗ hổng chết người"?
15:46' 08/05/2009 (GMT+7)
- "Tôi xin nhấn mạnh rằng, không chuyển đơn vị sự nghiệp có thu sang mô hình công ty cổ phần thì vẫn phải cải cách mạnh mẽ theo hướng trao thêm nhiều quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Không cải cách quản lý giáo dục, chỉ thông qua cổ phần hoá để "cởi trói" là một điều xa vời".



TS Lê Đăng Doanh cho rằng, những "lỗ hổng" trong cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chưa được điều chỉnh thì không nên tiếp tục áp dụng cho lĩnh vực hoàn toàn mới như giáo dục.



Còn nhiều “lỗ hổng chết người”




TS. Lê Đăng Doanh

Năm 2008, tốc độ cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp Nhà nước đang chậm lại rõ rệt.



Mấy chục năm qua, chúng ta mới CPH được 18% tổng tài sản của doanh nghiệp Nhà nước.



Hiện nay, còn tới 82% tổng tài sản chưa được CPH.



Trong khủng hoảng kinh tế hiện nay, các “đại gia”, “thiếu gia” cũng không còn hăng hái tham gia CPH nữa.



Những doanh nghiệp kia có sức hấp dẫn lớn, có tỉ suất lợi nhuận rất rõ ràng mà quá trình CPH đang rất chậm.



Vậy có kỳ vọng nào khi đưa trường học ra CPH sẽ có lợi nhuận lớn hơn không?




Phải sửa lại quy chế CPH, điều chỉnh, bổ sung những thiếu sót mà chúng ta đã nhìn nhận ra nhưng chưa sửa được.



Năm 2008, Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát quá trình CPH đã phát hiện ra lỗ hổng rất lớn, nhất là về đất đai.



Đất của các doanh nghiệp CPH nếu được chuyển giao sở hữu và định giá bán theo giá thị trường thì rất cao, nhưng nếu thuê của Nhà nước 50 năm thì giá rất thấp.



Tuyệt đại đa số doanh nghiệp nhà nước cổ phẩn hoá đã chọn phương án thuê. Nhưng sau khi thuê được rồi thì các doanh nghiệp này lại cho thuê lại đất với giá thị trường để hưởng chênh lệch giá của hàng chục ngàn hecta đất ở vị trí “vàng”, “kim cương”.



Thứ hai, quá trình CPH hiện thiếu công khai minh bạch. Những người được tham gia CPH, được mua cổ phần với giá rẻ đều chưa được công khai. Vậy ai sẽ được lợi ở đây?



Thứ ba, nhiều người kỳ vọng CPH sẽ “cởi trói” để doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.



Nhưng thực tế là có tới 85% vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá vẫn giữ nguyên, không có sự “thay máu” bằng những nhân lực mới.



Vì thế, nề nếp, tác phong trong doanh nghiệp Nhà nước được CPH và thực thi Luật Doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách khá lớn.



Các cơ quan quản lý Nhà nước, kể cả cơ quan chủ quản có hai thái độ: một số “buông”, số khác vẫn tiếp tục can thiệp như doanh nghiệp nhà nước.



"Phải có nhân tố mới"



Giáo sư được mua tối đa 400 cổ phần

Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập có thu chuyển thành công ty cổ phần tại thời điểm xác định giá trị phần vốn nhà nước tại đơn vị được mua tối đa 200 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước (riêng đối với những người lao động có trình độ cao có hàm là: Giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ, các nhà khoa học được mua tối đa là 400 cổ phần) với giá bán ưu đãi bằng 60% giá đấu thành công bình quân. (theo Dự thảo thí điểm chuyển trường học thành công ty cổ phần (xem toàn văn)

Từ 3 vấn đề đó, có thể suy ra được liệu CPH có thực sự “cởi trói” cho các trường không?



Rõ ràng, không phải CPH là sẽ tự nhiên cởi trói mà phải kèm theo cải cách của cơ quan Nhà nước, bộ chủ quản, phải có những nhân tố mới, những nhà đầu tư chiến lược mạnh.



Còn cổ đông là cán bộ viên chức bình thường thì chẳng có vai vế gì. Mặc dù, Luật Doanh nghiệp đã thay đổi khá nhiều, nhưng các nhà đầu tư nhỏ vẫn "thấp cổ bé họng".



Liệu trường học sau khi CPH có hoạt động theo Luật Doanh nghiệp không, hay phải bổ sung loại hình tổ chức phi lợi nhuận trong Luật Doanh nghiệp?



Như các trường ĐH tư của nước ngoài là những tổ chức kinh doanh phi lợi nhuận, lấy thu bù chi, khi còn lợi nhuận thì lợi nhuận đó không được chia mà tái đầu tư.



Tôi xin nhấn mạnh rằng, không chuyển đơn vị sự nghiệp có thu sang mô hình công ty cổ phần thì vẫn phải cải cách mạnh mẽ theo hướng trao thêm nhiều quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Không cải cách quản lý giáo dục, chỉ thông qua cổ phần hoá để "cởi trói" là một điều xa vời.





SV trong lễ tốt nghiệp cao học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Trung Kiên


Xã hội hoá không phải lấy thêm tiền của dân



Kỳ vọng khi "đồng tiền liền khúc ruột thì các cổ đông sẽ dốc sức xây dựng chất lượng và uy tín của trường là một kỳ vọng chưa được chứng minh.



Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp CPH thì Nhà nước vẫn chiếm 51% hoặc chiếm cổ phần ưu thế, tức là cổ phần của Nhà nước còn lớn hơn gấp đôi cổ phần của bất cứ tư nhân nào khác.



Vậy, liệu tư nhân có thể tiến hành cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp không khi mà 85% cán bộ lãnh đạo của DNNN cổ phần hoá vẫn như cũ?



Đại diện của Nhà nước chính là những người cũ đó và cung cách làm việc vẫn như xưa.



Thực tế hơn 3.800 doanh nghiệp Nhà nước đã CPH cho kết quả rất vừa phải.



Nói một cách tường minh, hy vọng CPH trường học để có cải thiện là điều chưa được chứng minh và rất có thể kỳ vọng đó gắn với lợi ích nhóm.



Họ sẽ nằm trong số 85% vị trí giữ nguyên đó và với một số tiền nhỏ, họ sẽ thâu tóm được toàn bộ tài sản lớn.



Ở ĐH Chicago (Mỹ) mà tôi là thành viên trong hội đồng cố vấn thì học phí SV phải nộp chỉ bằng 1/3 tổng chi phí mà nhà trường chi cho đào tạo.



Số còn lại lấy từ ngân quỹ của trường do các doanh nghiệp, các nhà tài trợ là cựu SV của trường, nay thành đạt, đóng góp để xây dựng trường.



Vì vậy, nhà trường nên kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia vào hội đồng tư vấn, hội đồng tài trợ…



Nhưng cần lưu ý rằng, sự tham gia này phải lâu dài, bền vững chứ không phải kiểu cam kết tài trợ nhằm đánh bóng tên tuổi rồi sau đó mất hút.




TS.Lê Đăng Doanh tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Leuna-Merseburg (Đức) và học sau ĐH tại Viện Hàn lâm Kinh tế Quốc gia Nga.


http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/846455/
1968-1988: Chuyên gia của Văn phòng Chính phủ.



1988-1990: Cố vấn kinh tế của thư ký văn phòng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Đỗ Mười…



1993-2001: Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

Wednesday 6 May 2009

Cổ phần hóa_ý kiến ủng hộ

Không cổ phần, giáo dục đại học sẽ chẳng có gì mới?

http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/846148/

06:37' 07/05/2009 (GMT+7)
– “Cái mới chưa làm thì có tâm lý rất sợ. Bất cứ sự chuyển đổi nào cũng có tính 2 mặt. Nhưng nếu không chuyển đổi, vẫn tồn tại như bây giờ thì giáo dục ĐH chẳng có gì mới cả".



Tiến sĩ (TS) Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Chính sách công (Bộ Tài chính), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu và hiện nay là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho biết như vậy về chủ trương chuyển đơn vị sự nghiệp công lập có thu thành công ty cổ phần. (dưới đây gọi tắt là "cổ phần hóa").



Tất yếu




TS Trần Thị Thu Hà

Sự chuyển đổi cổ phần hóa là tất yếu vì trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 10 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu (2003), Nghị định 43 về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 53 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

Đặc biệt, trong Nghị định 10 và Nghị định 53 thì đã có quy định đối tượng thí điểm cổ phần hóa.



Đó là các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực đào tạo.



Trong thực tế, cũng đã diễn ra những quá trình để đi đến thí điểm cổ phần hóa.



Tôi nghĩ, giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một ngành kinh tế. Vì vậy, nó phải có tính kinh tế và tính chuyên nghiệp như các ngành kinh tế khác.


Đó là lí do vì sao, người ta vẫn nói có thị trường giáo dục, song song với thị trường nghiên cứu khoa học.

Thị trường ở đây mang cả tính xã hội, tính giáo dục. Cho nên thị trường giáo dục, thị trường khoa học vẫn mang tính cống hiến, mang tính dịch vụ công, vẫn mang tính xã hội ưu đãi cho những đối tượng chính sách, đối tượng nghèo.



Ngoài ra, dự thảo chỉ áp dụng thí điểm ở những trường nào có điều kiện phát huy được tính kinh tế, chứ không phải chuyển tất cả các trường ĐH, các đơn vị giáo dục sang cổ phần hóa.



Chưa làm sẽ... sợ


Tôi nghĩ trong thực tế, cái gì chưa làm thì chúng ta thường có tâm lý... sợ.


Trước đây, Việt Nam làm gì có trường ĐH tư, ĐH dân lập. Tuy đấy không phải là cổ phần hóa, nhưng rõ ràng là có sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Và từ khi ra đời cho đến nay, các trường này hoàn toàn tự thu - tự chi.



Hơn nữa, khi phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Nhà nước không thể "ôm" hết được mà nên chuyển bớt sang cho các thành phần khác.




"Không thực hiện cổ phần hoá đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu hoạt động trong lĩnh vực An ninh, Quốc phòng; các bệnh viện công hiện có; các đơn vị hoạt động có điều kiện trong các lĩnh vực thuộc báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình" (theo Dự thảo thí điểm chuyển trường học thành công ty cổ phần (xem toàn văn)

Vì vậy, cổ phần hóa ở đây được hiểu là Nhà nước chuyển một phần sở hữu của mình sang thành phần kinh tế khác.



Như vậy, các thành phần này sẽ cùng gánh vác với Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở giáo dục. Thế nên, có những khó khăn là đương nhiên.



Khó khăn đầu tiên thuộc về nhận thức vì nếu các trường không vượt qua được sự đổi mới này thì nhận thức sẽ rất khó thay đổi.



Cái khó thứ 2 là kinh nghiệm. Muốn có kinh nghiệm thì phải đi vào thực tế, trao đổi, hội thảo nhiều để mọi người hiểu công ty cổ phần là thế nào…



Chuyển sang công ty cổ phần, theo tôi sẽ gỡ rối cho một số trường tự chủ tài chính hiện nay. Cụ thể, học phí sẽ tăng - trường sẽ được tự quyết mức học phí.



Thu nhập của cán bộ, giáo viên sẽ được cải thiện. Và chắc chắn, người ta phải làm việc có trách nhiệm hơn…



Để gỡ khó cho các trường, Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính phải vào cuộc để có văn bản hướng dẫn kịp thời và cụ thể. Muốn vậy, cần lắng nghe những khó khăn của các trường đối với cơ chế mới này.



Ngoài ra, nếu các trường công lập còn lúng túng khi thực hiện thí điểm, thì có thể trao đổi kinh nghiệm với một số trường ngoài công lập như: ĐH dân lập Thăng Long, ĐH Phương Đông, ĐH dân lập Quản lý Kinh doanh…



Kiểm toán để định giá trường học


Đặc biệt, những cơ quan chuyên ngành về Thuế và Kho bạc … phải vào cuộc. Bản thân các cơ quan này cũng phải có sự thống nhất với các trường trong cách hiểu về cổ phần hóa, quy trình cổ phần hóa và quản lý tài chính cổ phần như thế nào.



Về phía các trường thì hiệu trưởng hoặc hiệu phó phụ trách về tài chính phải hiểu kỹ vấn đề này. Bộ Tài chính nên để các trường thực hiện việc kế toán, quản lý tài chính, tính toán chi phí dịch vụ... như doanh nghiệp thì mới hạch toán được.


Một giờ học tại Trường ĐH dân lập Thăng Long Hà Nội. Ảnh Lê Anh Dũng




Bên cạnh đó, phải có kiểm toán để xác định giá trị tài sản của các trường. Trên cơ sở đó mới quyết định tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, tư nhân, các tổ chức...



Do vậy, theo tôi, các trường nên thành lập một bộ phận chuyên trách để nghiên cứu những việc cần làm khi tiến hành cổ phần hóa. Sau đó, phải định ra một “kịch bản”: việc gì làm trước, việc gì làm sau.



Về phía người học, khi học phí tăng đồng nghĩa chất lượng đào tạo phải tương xứng. Khi đó, người học được quyền lựa chọn những môi trường GD-ĐT có chất lượng.

Cổ phần hóa không phải là thương mại hóa


Theo tôi, cổ phần hóa làm thay đổi cơ chế tài chính chứ không phải thay đổi bản chất hoạt động của trường. Trường học vẫn là nơi đào tạo.



Chẳng hạn ĐH FPT là do doanh nghiệp xây dựng…nhưng phải hoạt động theo quy chế của nhà nước, quy chế của Bộ GD-ĐT, đảm bảo về mặt số lượng, chất lượng… đào tạo.

"Tôi nghĩ khó khăn nào mình cũng có thể khắc phục vì bản thân đã làm hiệu trưởng Trường ĐH tư thục Bà Rịa – Vũng Tàu đi từ “không” cho đến “có”. Đến nay, trường đã tuyển gần 6.000 SV các cấp… - TS Trần Thị Thu Hà

Thế nên, không phải cứ trực thuộc doanh nghiệp, công ty mà các trường được hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí, chất lượng...



Vì vậy, nếu các trường cho rằng, việc cổ phần hóa dễ dẫn đến thương mại hóa trường học, chạy theo lợi nhuận mà giảm chất lượng đào tạo... là không đúng.



Cổ phần hóa chỉ thay đổi cách quản lý tài chính của một trường ĐH mà thôi.

Cho dù, tài chính không thể đứng độc lập khỏi tổ chức bộ máy, nhưng hiệu trưởng là một nhà khoa học, một nhà giáo dục thì không thể nặng về chuyện đồng tiền.


Tôi cho rằng, hiệu trưởng các trường thí điểm cổ phần hóa phải theo đúng nghị định của Chính phủ về tiêu chuẩn của hiệu trưởng.



Đó phải là các giảng viên có trình độ từ Phó Giáo sư trở lên hoặc có học vị Tiến sĩ.

Đương nhiên, bất cứ sự chuyển đổi nào cũng có tính 2 mặt. Nhưng nếu không chuyển đổi, vẫn tồn tại như bây giờ thì giáo dục ĐH chẳng có gì mới cả

Monday 4 May 2009

Cổ phần hóa trường học???

Cổ phần hóa sẽ "cởi trói" cho giáo dục
http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/845559/
13:10' 04/05/2009 (GMT+7)
- "Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Cổ phần hoá sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho giáo dục", TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) phân tích chủ trương thí điểm cổ phần hoá trường học.




TS Nguyễn Đức Thành
TS Thành chia sẻ: Ngành giáo dục có một cuộc tranh luận rất xưa là giáo dục có phải hàng hóa hay không.

Trong đầu tôi chưa bao giờ có tranh luận đó. Con người muốn có giáo dục thì phải mua dịch vụ bởi hấp thụ giáo dục làm tăng vốn con người.



Giáo dục là khoản đầu tư chứ không ai cho không tri thức cả. Chính vì quan điểm tri thức là cho không dẫn tới nhiều quan niệm méo mó.



Nhưng giáo dục có đặc điểm là nó không chỉ mang lại nguồn lợi cho bản thân người tiếp nhận mà còn mang lợi cho cả xã hội. Vai trò của Nhà nước là làm tăng cái lợi mà mỗi cá nhân có giáo dục mang lại cho xã hội.



Vì thế, giáo dục là một loại hàng hóa cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chỉ có Nhà nước cung cấp. Khi hiểu nguyên lý đó thì việc cổ phần hóa là một bước đi khớp với sự phát triển.



Thúc đẩy cạnh tranh



- Theo ông, cổ phần hoá các cơ sở đào tạo công lập có thu sẽ có tác động như thế nào tới nền giáo dục Việt Nam?



- Cổ phần hóa giúp sản lượng tăng, số dịch vụ tăng và chất lượng tăng vì có sự cạnh tranh trong các tổ chức khoa học đào tạo.



Có cạnh tranh thì lợi nhuận gắn liền với chất lượng. Chất lượng chỉ bị kiểm soát bởi người cạnh tranh với anh ta thôi.



Cổ phần hóa xác định sở hữu rõ ràng. Các cổ đông biết họ được cái gì từ đó và có thể từ bỏ cổ phần khi thấy bất lợi. Cổ phần hoá cũng tận dụng được nguồn lực con người vì “đồng tiền liền khúc ruột”, vì họ biết tài sản này thuộc về mình một cách lâu dài.



Nhưng cũng không có nghĩa là cơ sở giáo dục nào cũng phải cổ phần hóa. Có những tổ chức theo ý chí của Nhà nước thì vẫn là trường công, trường của cộng đồng.



Như vậy các trường tư nhân, các trường cổ phần hóa và các trường công tồn tại song song, cạnh tranh với nhau. Bản chất của nó là cạnh tranh giữa các hình thức sở hữu.




Ở bậc phổ thông, nên cổ phần hoá ở các thành phố lớn trước. Còn ở bậc ĐH, phải cẩn trọng với những trường có vị thế độc quyền tự nhiên cao. Ảnh: Bảo Anh



Mỗi hình thức sở hữu lại phù hợp với các nhóm nhất định. Chẳng hạn, với những nhóm ngành đào tạo mang tính chất nâng cao thì tư nhân hóa rất tốt. Còn những khóa học về các chuyên ngành cơ bản thì hình thức sở hữu nhà nước lại phù hợp hơn.



- Vậy lộ trình của quá trình cổ phần hóa trường học nên diễn ra như thế nào?



- Ở bậc ĐH, không phải đơn vị nào cũng cổ phần hóa mà sẽ tiến hành từ những đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học có tính chất ứng dụng cao nhất.



Những cơ sở này có động lực để cổ phần hóa rất nhanh và sẽ phát triển rất mạnh và tạo ra sự “cởi trói” mạnh mẽ cho nền khoa học, giáo dục nước nhà.



Còn ở bậc phổ thông, lý tưởng nhất là Nhà nước bao cấp. Nhưng nếu điều kiện không cho phép thì ít nhất cũng phải bao cấp bậc tiểu học.



Muốn cổ phần hóa các trường phổ thông thì nên tiến hành ở các thành phố lớn trước. Ở nông thôn, cả xã chỉ có 1 trường cấp II mà cổ phần hóa, rơi vào tay tư nhân thì các ông chủ này có thể dồn ép tăng học phí khiến người nghèo không được đi học.



Cổ phần hóa "trường liu riu"


- Vận hành theo cơ chế thị trường, các cơ sở giáo dục khi cổ phần hoá có thể gặp những vấn đề gì?


- Có thể hiệu trưởng sẽ thao túng, đưa người nhà vào mua cổ phiếu. Vì vậy, Nhà nước phải có chế độ đặc biệt, nếu không, sẽ không đạt được mục đích xã hội.

Những người làm chính sách phải hiểu rất rõ về cấu trúc thị trường trong giáo dục. Thị trường đó có cấu trúc độc quyền hay cấu trúc cạnh tranh?


Ở một số phân đoạn trong thị trường giáo dục thì có thể có cấu trúc độc quyền tự nhiên. Nhà nước kiểm soát hay giám sát chặt chẽ thị trường này là hết sức cần thiết.


TIN LIÊN QUAN
Thị trường giáo dục: không thể nhắm mắt "học" liều
Tranh cãi nhiều về "thị trường giáo dục"
Cổ phần hóa trường ĐH: Giải pháp lương cho giảng viên?
Không nên né tránh thị trường giáo dục!
Thí điểm cổ phần hóa 15-20 trường ĐH, CĐ
Đại học VN: Chấp nhận thị trường giáo dục
Trường học sẽ được cổ phần hóa
Cổ phần hóa ĐH sẽ loại bỏ trì trệ của hệ thống
Dự thảo thí điểm chuyển trường học thành công ty cổ phần

Ví dụ giáo dục ĐH ở cấp tỉnh có thể có cấu trúc độc quyền tự nhiên. 1 trường ĐH tốt nhất vươn lên cao và hút hết SV vào. Những trường nhỏ xung quanh sẽ ngày càng yếu đi, còn trường kia ngày càng bành trướng.


Đó là cấu trúc độc quyền tự nhiên, dù thuộc sở hữu nhà nước hay tư nhân, nó đều có tính chất đó. Nhà nước có thể phải can thiệp như với các ngành khác như ngành điện, ngân hàng.


Ở thời kỳ đầu, ở một số trường tính đặc quyền cao thì chất lượng có thể sẽ giảm. Vì có thể độc quyền nên cứ bành trướng ra. Bản thân cái tên đã tốt rồi, không cần chất lượng. Mục tiêu lúc này chỉ là lợi nhuận nên có thể mở ồ ạt và chất lượng kém đi. Nhưng sau một thời gian, sẽ có sự đào thải và chiếm lĩnh thị trường.


Triết lý sống của thị trường vẫn là chất lượng. Những trường “liu riu” thì nên cho cổ phần hóa vì chỉ có một con đường là tăng chất lượng. Nếu không làm được thì cuối cùng Nhà nước “thôn tính” lại với giá rẻ.


Niềm tin ở thị trường là do sự đa dạng các hình thức sở hữu: tư nhân, cộng đồng, Nhà nước. Sự đa dạng này đã tồn tại hàng trăm năm nay ở các nước.


- Vậy Nhà nước có nên nắm giữ cổ phần không?


Nhà nước đã không chi phối thì không nên tham gia. Nhà nước không nên kinh doanh mà nên rút vốn đó ra cho người khác thế chỗ vào rồi thu thuế thì tốt hơn.


- Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Đức Thành:

1999: Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng.

2001: Hoàn thành chương trình Cao học Kinh tế Phát triển liên kết giữa Việt Nam và Hà Lan.

2008: Nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế Phát triển tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS).

2007 – 2008: Nghiên cứu viên cao cấp của Nhóm Tư vấn Chính sách - Bộ Tài chính

TS. Thành hiện đang giảng dạy Lý thuyết Kinh tế và Kinh tế Vĩ mô.

Các lĩnh vực nghiên cứu: Lý thuyết Kinh tế Vĩ mô, Kinh tế Phát triển, Kinh tế học về chảy máu chất xám và dịch chuyển lao động, Mô hình cân bằng tổng thể.

Thành viên Hiệp hội Kinh tế Đông Á (EAEA).



Lan Hương (thực hiện)

Saturday 2 May 2009

Nhận rõ chân giá trị giảng viên - nhà nghiên cứu

Nhận rõ chân giá trị của giảng viên - nhà khoa học
03/05/2009 06:37 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- "Cách đánh giá định tính xưa nay chưa phản ánh đúng thực trạng đội ngũ các nhà khoa học, cần phải có cách đánh giá định lượng với các tiêu chí rõ ràng và điều quan trọng hơn là phải thể chế hoá bằng luật, bằng các văn bản quy định và phải thực hiện một cách công khai, dân chủ"- TS. Trần Văn Luyến.












Tuần Việt Nam đang có mạch bài về nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Một giảng viên ĐH đồng thời phải là một cán bộ nghiên cứu. Xưa nay chúng ta thường đánh giá cán bộ khoa học, nhà khoa học theo cảm tính, chưa có các tiêu chí định lượng. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của TS. Trần Văn Luyến về chủ đề này.


Để đánh giá một cán bộ khoa học, một nhà khoa học phải dựa trên những tiêu chí nào? Trong bài viết này, tôi xin đóng góp một vài ý kiến nhằm nhận rõ chân giá trị của nhà khoa học.


Nên chăng ưu tiên cấp kinh phí cho các nhà khoa học đã có các công trình công bố. Ảnh minh họa: hw.ac.uk


Trong giới khoa học, trong "làng" ĐH thường có dư luận: Về vấn đề này nên hỏi giáo sư Nguyễn Văn A, còn vấn đề kia nên được phản biện bởi tiến sỹ Trần Thị Z. Đó là sự nhìn nhận về đẳng cấp của một nhà khoa học trong một lĩnh vực chuyên môn riêng. Không có nhà khoa học nào uyên bác trên tất cả các lĩnh vực. Trong khi đó, có những tiến sĩ mà cả đời làm khoa học chưa có một công trình nào được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành, mặc dù được đầu tư cả cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí nghiên cứu - đó là một sự thật.

Nhưng các giáo sư, tiến sỹ thật và “dỏm” này vẫn sống chung trong làng khoa học. Vậy làm thế nào để đánh giá đúng trình độ và đẳng cấp của một cán bộ, một nhà khoa học? Cách đánh giá định tính xưa nay chưa phản ánh đúng thực trạng đội ngũ các nhà khoa học, cần phải có cách đánh giá định lượng với các tiêu chí rõ ràng và điều quan trọng hơn là phải thể chế hoá nó bằng luật, bằng các văn bản quy định và phải thực hiện nó một cách công khai, dân chủ.

Các tiêu chí

Bài cùng chủ đề:
Giá trị thực của nghiên cứu khoa học
Trường đại học hạn chế nghiên cứu khoa học của sinh viên?
Nhà khoa học VN: "Tôi cần cái này để làm cái kia"?
Nghiên cứu khoa học: Cần cả số lượng và chất lượng
Khi doanh nhân sản xuất hàng hoá, họ phải bán được sản phẩm. Hàng hoá muốn tham gia thị trường cần phải có chất lượng cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của đồng nghiệp. Nếu không, doanh nghiệp sẽ thua lỗ và sự phá sản sẽ là tất yếu nếu không cải tiến chất lượng sản phẩm.

Nhà khoa học cũng sản xuất ra hàng hoá nhưng là hàng hoá đặc biệt và được bán trong các siêu thị đặc biệt. Trên một số tạp chí khoa học gần đây, Giáo sư Phạm Duy Hiển đã có những bài phân tích thống kê rất đáng quan tâm về thực trạng khoa học Việt Nam. Vậy tiêu chí để đánh giá một nhà khoa học là gì?

1) Công trình khoa học được xuất bản

Công trình khoa học được xuất bản xứng đáng là tiêu chí đầu tiên để nhận ra năng lực và bản lĩnh của một nhà khoa học. Khi nghiên cứu xong một đề tài, nhà khoa học bắt tay vào viết báo cáo. Các báo cáo này được nghiệm thu bởi một hội đồng khoa học, có chấm điểm đánh giá theo các thang mức: Không đạt, đạt, khá và xuất sắc với những quy định chặt chẽ và nghiêm túc.

Sau đó, các báo cáo này sẽ đến địa chỉ cuối cùng theo thông lệ hiện nay là các phòng lưu trữ hồ sơ của các cơ quan khoa học. Số lượng các báo cáo này hàng năm rất lớn, tương ứng với số tiền cấp cho nghiên cứu khoa học. Nhưng điều đó chưa nói lên được phẩm chất của nhà khoa học. Đó cũng chưa phải là sản phẩm của một nhà khoa học, mà chỉ là nguyên liệu đầu vào của một quá trình sản xuất đặc biệt - biến các báo cáo đã nghiệm thu thành các công trình khoa học.

Đẳng cấp của một giảng viên- nhà khoa học tuỳ thuộc vào công trình khoa học của họ được đăng tải ở tạp chí nào. Công trình được đăng ở tạp chí quốc tế uy tín khác hẳn công trình được đăng ở trong nước. Công trình được đăng ở tạp chí chuyên ngành có mã số ISSN (mã số dành riêng cho tạp chí theo hệ thống phân loại chuẩn quốc tế) khác hẳn công trình được đăng ở các tạp chí hay tập san nội bộ định kỳ.

Điều này tương tự hàng hoá được bày bán tại các siêu thị ở Paris khác hẳn hàng hoá được bán ở chợ huyện; hàng xuất khẩu khác hàng nội địa; hàng Việt Nam chất lượng cao khác hàng bình thường.. Khi các công trình của các giảng viên- nhà khoa học Việt Nam được trình làng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, nền GD đại học, nền khoa học nước ta chắc chắn đã phát triển và xứng đáng được tôn trọng, các giảng viên- nhà khoa học có các công trình này xứng đáng được tôn vinh.

2) Dịch vụ khoa học và các sản phẩm cụ thể

Có những hoạt động nghiên cứu khoa học không sản sinh ra công trình khoa học mà sản sinh ra các sản phẩm cụ thể như máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ, phần mềm, dịch vụ khoa học. Nó thuộc về các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Minh chứng cho điều này, có thể nêu ra một ví dụ mà gần đây báo chí đã đăng tải: Một người nông dân có thể chế tạo và cải tiến thành công một số thiết bị có tính năng hơn hẳn máy móc của một viện nghiên cứu máy nông nghiệp nào đó.

Tuy nhiên, điều đó chưa nói lên hiện trạng của tình hình nghiên cứu trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Vẫn biết tay nghề của các nhà khoa học kỹ thuật và công nghệ rất cao, nhưng xã hội lại cần các sản phẩm cụ thể của họ, dẫu chưa thể mang đi dự triển lãm quốc tế thì cũng phải được áp dụng tại Việt Nam. Hiện nay, số các quy trình công nghệ, sản phẩm cụ thể của người Việt Nam được cấp patent vẫn rất khiêm tốn, mặc dù óc sáng tạo của người Việt trong các hoạt động này đã được chứng minh qua các kỳ thi kỹ thuật, công nghệ khu vực và thế giới, không thua kém ai.

3) Học trò kế nghiệp

Có một số người đề nghị đưa ra tiêu chí này và cho rằng đó là sản phẩm kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo. Đây cũng là một loại sản phẩm đặc biệt. Thầy nào trò đó, nếu các nhà khoa học có đẳng cấp ở các viện tham gia đào tạo, nếu có một cơ chế liên kết "trường bên viện" chắc chắn sẽ có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao.

Kiến nghị


Ảnh: esf.org

Dựa theo một trong hai tiêu chí đầu có thể định lượng việc đánh giá một giảng viên- nhà khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu ứng dụng. Nếu không có sản phẩm và không có sản phẩm chất lượng cao, nhà khoa học không nên vỗ ngực xưng danh. Với tinh thần đó, xin kiến nghị một số vấn đề sau:

* Nên chăng ưu tiên cấp kinh phí cho các giảng viên- nhà khoa học đã có các công trình công bố. Những công trình khoa học đó sẽ được coi là minh chứng đảm bảo việc đầu tư cho khoa học đã được "chọn mặt gửi vàng".

* Ưu tiên đưa ra xem xét và đề bạt hay bầu cử vào các chức vụ quản lý đối với những giảng viên- nhà khoa học giỏi theo các tiêu chí trên. Trong phiếu đánh giá cần có mục: Số các công trình khoa học, bằng sáng chế (ghi rõ tên tạp chí, số bằng sáng chế được cấp). Người cán bộ quản lý ĐH, viện trưởng, giám đốc trung tâm nghiên cứu phải là người am hiểu sâu sắc trong các lĩnh vực mình quản lý.

* Thầy giỏi tất nhiên sẽ có trò giỏi, các giáo sư đầu ngành phải có trách nhiệm trong việc đào tạo người kế tục sự nghiệp và đây cần được coi là một tiêu chuẩn khi đánh giá nhà khoa học.

Nếu thực hiện được đồng thời các yêu cầu trên sẽ hạn chế được những giảng viên- nhà khoa học không thực chất. Bởi trên đỉnh vinh quang không có dấu chân của những người lười biếng và cơ hội.

Xưa nay chúng ta thường đánh giá một nhà khoa học theo cảm tính, chưa có các tiêu chí định lượng. Cùng với các phẩm chất đời thường mà mỗi công dân ai cũng cần phải có, nhà khoa học còn phải có các phẩm chất đặc thù để làm một công việc đặc thù: Nghiên cứu khoa học. Các tiêu chí vừa kiến nghị ở trên có thể giúp chúng ta nhận ra năng lực và bản lĩnh của một nhà khoa học chân chính.

TS. Trần Văn Luyến

Công khai trình độ giảng viên đại học

http://vietnamnet.vn/giaoduc/2009/05/845274/

Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra dự thảo quy chế thực hiện công khai đối với các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.

Cụ thể, đối với các trường đại học, dự thảo yêu cầu công khai điều kiện tuyển sinh, chương trình đào tạo, các hoạt động hỗ trợ học tập của trường, lực lượng giáo viên, mục tiêu đào tạo, kiến thức, kỹ năng, trình độ ngoại ngữ...

Trong đó, ở từng môn học, phải công khai về giảng viên giảng dạy và giảng viên hướng dẫn (nếu có), mục đích môn học, nội dung và lịch trình giảng dạy, tài liệu tham khảo, phương pháp đánh giá sinh viên...

Đặc biệt, các trường đại học phải công khai sơ lược lý lịch của giảng viên: họ và tên (kèm theo ảnh), tuổi đời, thâm niên giảng dạy, chức danh, trình độ chuyên môn, công trình khoa học, kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu, hoạt động nghiên cứu trong nước và quốc tế, các bài báo đăng tải trong nước và quốc tế...

Học phí và các khoản thu khác cũng phải được công khai theo từng năm học và dự kiến cho các năm tiếp theo.

Đối với hệ thống đào tạo mầm non, các trường mầm non phải cam kết chuẩn sức khỏe, năng lực, hành vi mà trẻ sẽ đạt được sau mỗi lớp học, công khai kết quả phát triển sức khỏe thực tế của trẻ, công khai diện tích đất, sân chơi, số lượng, diện tích các loại phòng học, thiết bị giảng dạy... tính bình quân trên một trẻ.

Ngoài ra, công khai trình độ của đội ngũ nhà giáo, công khai mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho 2 năm học tiếp theo.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, ngoài việc công khai chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất... cũng phải công khai mức thu học phí và các khoản thu khác theo từng năm học và dự kiến cho cả cấp học...

Những thông tin này phải được các cơ sở đào tạo công khai đầy đủ, chính xác và cập nhật trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục. Ngoài ra, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục để phụ huynh và học sinh xem xét. Đồng thời, đảm bảo bất cứ lúc nào khi cơ sở giáo dục hoạt động, cha mẹ học sinh và những người quan tâm đều có thể tiếp cận các thông tin trên.

Theo Mạng Giáo dục (www.moet.gov.vn)