Nhận rõ chân giá trị của giảng viên - nhà khoa học
03/05/2009 06:37 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- "Cách đánh giá định tính xưa nay chưa phản ánh đúng thực trạng đội ngũ các nhà khoa học, cần phải có cách đánh giá định lượng với các tiêu chí rõ ràng và điều quan trọng hơn là phải thể chế hoá bằng luật, bằng các văn bản quy định và phải thực hiện một cách công khai, dân chủ"- TS. Trần Văn Luyến.
Tuần Việt Nam đang có mạch bài về nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Một giảng viên ĐH đồng thời phải là một cán bộ nghiên cứu. Xưa nay chúng ta thường đánh giá cán bộ khoa học, nhà khoa học theo cảm tính, chưa có các tiêu chí định lượng. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của TS. Trần Văn Luyến về chủ đề này.
Để đánh giá một cán bộ khoa học, một nhà khoa học phải dựa trên những tiêu chí nào? Trong bài viết này, tôi xin đóng góp một vài ý kiến nhằm nhận rõ chân giá trị của nhà khoa học.
Nên chăng ưu tiên cấp kinh phí cho các nhà khoa học đã có các công trình công bố. Ảnh minh họa: hw.ac.uk
Trong giới khoa học, trong "làng" ĐH thường có dư luận: Về vấn đề này nên hỏi giáo sư Nguyễn Văn A, còn vấn đề kia nên được phản biện bởi tiến sỹ Trần Thị Z. Đó là sự nhìn nhận về đẳng cấp của một nhà khoa học trong một lĩnh vực chuyên môn riêng. Không có nhà khoa học nào uyên bác trên tất cả các lĩnh vực. Trong khi đó, có những tiến sĩ mà cả đời làm khoa học chưa có một công trình nào được đăng tải trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành, mặc dù được đầu tư cả cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí nghiên cứu - đó là một sự thật.
Nhưng các giáo sư, tiến sỹ thật và “dỏm” này vẫn sống chung trong làng khoa học. Vậy làm thế nào để đánh giá đúng trình độ và đẳng cấp của một cán bộ, một nhà khoa học? Cách đánh giá định tính xưa nay chưa phản ánh đúng thực trạng đội ngũ các nhà khoa học, cần phải có cách đánh giá định lượng với các tiêu chí rõ ràng và điều quan trọng hơn là phải thể chế hoá nó bằng luật, bằng các văn bản quy định và phải thực hiện nó một cách công khai, dân chủ.
Các tiêu chí
Bài cùng chủ đề:
Giá trị thực của nghiên cứu khoa học
Trường đại học hạn chế nghiên cứu khoa học của sinh viên?
Nhà khoa học VN: "Tôi cần cái này để làm cái kia"?
Nghiên cứu khoa học: Cần cả số lượng và chất lượng
Khi doanh nhân sản xuất hàng hoá, họ phải bán được sản phẩm. Hàng hoá muốn tham gia thị trường cần phải có chất lượng cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của đồng nghiệp. Nếu không, doanh nghiệp sẽ thua lỗ và sự phá sản sẽ là tất yếu nếu không cải tiến chất lượng sản phẩm.
Nhà khoa học cũng sản xuất ra hàng hoá nhưng là hàng hoá đặc biệt và được bán trong các siêu thị đặc biệt. Trên một số tạp chí khoa học gần đây, Giáo sư Phạm Duy Hiển đã có những bài phân tích thống kê rất đáng quan tâm về thực trạng khoa học Việt Nam. Vậy tiêu chí để đánh giá một nhà khoa học là gì?
1) Công trình khoa học được xuất bản
Công trình khoa học được xuất bản xứng đáng là tiêu chí đầu tiên để nhận ra năng lực và bản lĩnh của một nhà khoa học. Khi nghiên cứu xong một đề tài, nhà khoa học bắt tay vào viết báo cáo. Các báo cáo này được nghiệm thu bởi một hội đồng khoa học, có chấm điểm đánh giá theo các thang mức: Không đạt, đạt, khá và xuất sắc với những quy định chặt chẽ và nghiêm túc.
Sau đó, các báo cáo này sẽ đến địa chỉ cuối cùng theo thông lệ hiện nay là các phòng lưu trữ hồ sơ của các cơ quan khoa học. Số lượng các báo cáo này hàng năm rất lớn, tương ứng với số tiền cấp cho nghiên cứu khoa học. Nhưng điều đó chưa nói lên được phẩm chất của nhà khoa học. Đó cũng chưa phải là sản phẩm của một nhà khoa học, mà chỉ là nguyên liệu đầu vào của một quá trình sản xuất đặc biệt - biến các báo cáo đã nghiệm thu thành các công trình khoa học.
Đẳng cấp của một giảng viên- nhà khoa học tuỳ thuộc vào công trình khoa học của họ được đăng tải ở tạp chí nào. Công trình được đăng ở tạp chí quốc tế uy tín khác hẳn công trình được đăng ở trong nước. Công trình được đăng ở tạp chí chuyên ngành có mã số ISSN (mã số dành riêng cho tạp chí theo hệ thống phân loại chuẩn quốc tế) khác hẳn công trình được đăng ở các tạp chí hay tập san nội bộ định kỳ.
Điều này tương tự hàng hoá được bày bán tại các siêu thị ở Paris khác hẳn hàng hoá được bán ở chợ huyện; hàng xuất khẩu khác hàng nội địa; hàng Việt Nam chất lượng cao khác hàng bình thường.. Khi các công trình của các giảng viên- nhà khoa học Việt Nam được trình làng trên các tạp chí nổi tiếng thế giới, nền GD đại học, nền khoa học nước ta chắc chắn đã phát triển và xứng đáng được tôn trọng, các giảng viên- nhà khoa học có các công trình này xứng đáng được tôn vinh.
2) Dịch vụ khoa học và các sản phẩm cụ thể
Có những hoạt động nghiên cứu khoa học không sản sinh ra công trình khoa học mà sản sinh ra các sản phẩm cụ thể như máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ, phần mềm, dịch vụ khoa học. Nó thuộc về các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ. Minh chứng cho điều này, có thể nêu ra một ví dụ mà gần đây báo chí đã đăng tải: Một người nông dân có thể chế tạo và cải tiến thành công một số thiết bị có tính năng hơn hẳn máy móc của một viện nghiên cứu máy nông nghiệp nào đó.
Tuy nhiên, điều đó chưa nói lên hiện trạng của tình hình nghiên cứu trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Vẫn biết tay nghề của các nhà khoa học kỹ thuật và công nghệ rất cao, nhưng xã hội lại cần các sản phẩm cụ thể của họ, dẫu chưa thể mang đi dự triển lãm quốc tế thì cũng phải được áp dụng tại Việt Nam. Hiện nay, số các quy trình công nghệ, sản phẩm cụ thể của người Việt Nam được cấp patent vẫn rất khiêm tốn, mặc dù óc sáng tạo của người Việt trong các hoạt động này đã được chứng minh qua các kỳ thi kỹ thuật, công nghệ khu vực và thế giới, không thua kém ai.
3) Học trò kế nghiệp
Có một số người đề nghị đưa ra tiêu chí này và cho rằng đó là sản phẩm kết hợp giữa nghiên cứu và đào tạo. Đây cũng là một loại sản phẩm đặc biệt. Thầy nào trò đó, nếu các nhà khoa học có đẳng cấp ở các viện tham gia đào tạo, nếu có một cơ chế liên kết "trường bên viện" chắc chắn sẽ có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao.
Kiến nghị
Ảnh: esf.org
Dựa theo một trong hai tiêu chí đầu có thể định lượng việc đánh giá một giảng viên- nhà khoa học thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu ứng dụng. Nếu không có sản phẩm và không có sản phẩm chất lượng cao, nhà khoa học không nên vỗ ngực xưng danh. Với tinh thần đó, xin kiến nghị một số vấn đề sau:
* Nên chăng ưu tiên cấp kinh phí cho các giảng viên- nhà khoa học đã có các công trình công bố. Những công trình khoa học đó sẽ được coi là minh chứng đảm bảo việc đầu tư cho khoa học đã được "chọn mặt gửi vàng".
* Ưu tiên đưa ra xem xét và đề bạt hay bầu cử vào các chức vụ quản lý đối với những giảng viên- nhà khoa học giỏi theo các tiêu chí trên. Trong phiếu đánh giá cần có mục: Số các công trình khoa học, bằng sáng chế (ghi rõ tên tạp chí, số bằng sáng chế được cấp). Người cán bộ quản lý ĐH, viện trưởng, giám đốc trung tâm nghiên cứu phải là người am hiểu sâu sắc trong các lĩnh vực mình quản lý.
* Thầy giỏi tất nhiên sẽ có trò giỏi, các giáo sư đầu ngành phải có trách nhiệm trong việc đào tạo người kế tục sự nghiệp và đây cần được coi là một tiêu chuẩn khi đánh giá nhà khoa học.
Nếu thực hiện được đồng thời các yêu cầu trên sẽ hạn chế được những giảng viên- nhà khoa học không thực chất. Bởi trên đỉnh vinh quang không có dấu chân của những người lười biếng và cơ hội.
Xưa nay chúng ta thường đánh giá một nhà khoa học theo cảm tính, chưa có các tiêu chí định lượng. Cùng với các phẩm chất đời thường mà mỗi công dân ai cũng cần phải có, nhà khoa học còn phải có các phẩm chất đặc thù để làm một công việc đặc thù: Nghiên cứu khoa học. Các tiêu chí vừa kiến nghị ở trên có thể giúp chúng ta nhận ra năng lực và bản lĩnh của một nhà khoa học chân chính.
TS. Trần Văn Luyến
Saturday, 2 May 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Đồng ý là phải đánh giá giảng viên qua thực tế giảng dạy và nghiên cứu.
ReplyDeleteHiện nay đang đánh đồng mọi giá trị như nhau, thậm chí giảng viên nỗ lực chuyên môn bị đánh giá kém hơn những giảng viên tích cực hoạt động bề nổi như công đoàn, hay đánh giá theo cảm tính như thích hay không thích người này người khác. Việc bổ nhiệm cán bộ cũng theo cảm tính nên không phát huy tích cực được đóng góp của nhiều cá nhân.