Monday 25 January 2010

'Teen' và 'tin'

Cập nhật lúc 06:27, Thứ Ba, 26/01/2010 (GMT+7)
,
- Hiện nay, trong giao tiếp, người Việt ta sử dụng khá nhiều từ của tiếng nước ngoài, nhất là của tiếng Anh. Đã có nhiều bài viết bàn về việc ủng hộ hay hạn chế sự “hội nhập” này.

Ở đây tôi chỉ xin bàn riêng về cách đọc các từ được du nhập của tiếng Anh hay tiếng Pháp vào tiếng Việt mà thôi.



Việc phát âm từ “teen” là "tin" hiện nay rất phổ biến và không gây một sự hiểu lầm nào cả.
Ảnh: An Bang
Trong bài “Album hay Anbum” (báo Lao Động Cuối Tuần số 42/2009), tôi đã ủng hộ việc viết từ này theo nguyên gốc tiếng Anh, nghĩa là viết “album” và đọc từ này là “an-bum”. Tức là chúng ta viết từ này đúng như cách viết của tiếng Anh (và cả tiếng Pháp), nhưng chúng ta đã Việt hóa cách đọc của nó. Ta không đọc đúng như phát âm của tiếng Anh là /’ælbəm/, mà ta đã chọn cách đọc “gần với tiếng Việt hơn”.

Như vậy, ta có thể viết nhiều từ tiếng Anh đúng hệt nguyên gốc kiểu như từ “album” này. Nhưng ta không nên đọc theo cách phát âm chính thức của các từ ấy trong tiếng Anh. Vả lại, nếu muốn đọc đúng hệt cách phát âm của người bản ngữ thì cũng có điều phiền phức là ta sẽ không biết là nên đọc theo giọng Anh hay đọc theo giọng Mỹ.

Với xu hướng này, chúng ta cứ đọc “teen” là “tin”. Như vậy, ngày nay trong tiếng Việt có hai từ khác nhau có cùng một cách phát âm là “tin”. Một từ viết là t-i-n mang nghĩa tin tức, tin tưởng. Còn một từ viết là t-e-e-n mang nghĩa tuổi thiếu niên (teen). Việc phát âm từ “teen” theo xu hướng này hiện nay rất phổ biến và không gây một sự hiểu lầm nào cả.

Với từ “fan” (người hâm mộ), cả hai cách đọc “phan” và “phen” đều chỉ gần đúng so với cách đọc /fæn/ của người bản ngữ, nhưng ta nên đọc là “phan” vì nó tự nhiên hơn đối với tiếng Việt.

Với từ “mail” (thư từ), nếu cân nhắc giữa “meo” và “mêu” trong tiếng Việt, thì ta nên chọn “meo” vì cách đọc này gần với cách phát âm gốc hơn. Tất nhiên ta bỏ qua phụ âm cuối “l” của nó.

Trên đài phát thanh hay đài truyền hình, tôi thấy khi phát âm từ “show”, có người đọc nhẹ thành “xâu”, có người đọc uốn lưỡi thành “sâu” theo giọng nói của một số vùng ở miền Trung hoặc miền Nam. Theo tôi, chúng ta đã chấp nhận việc Việt hóa trong cách phát âm của nhiều từ khác thì cũng nên Việt hóa cách đọc của từ này, có nghĩa là nên đọc “show” là “sâu”. Cũng phải nói thêm rằng, ở miền Bắc thường không có sự khác biệt khi phát âm hai từ “sâu” và “xâu”. Như vậy, ta có thể đọc “live show” là “lai-sâu” (hay “lai-xâu”), chứ không nhất thiết phải cố phát âm chuẩn theo tiếng Anh là /laivʃəu/.

Theo xu hướng Việt hóa cách đọc các từ tiếng Anh qua các ví dụ trên thì từ “resort” (khu nghỉ mát) có thể đọc là ri-sót. Ta không cần cố gắng đọc đúng theo phát âm trong tiếng Anh của từ này là /ri:’zɔ:t/.

Tuy nhiên, chúng ta không nên dùng các từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ở dạng nguyên gốc khi lâu nay chúng ta đã Việt hóa cả cách nói và cách viết của chúng. Ví dụ như quần soóc (shorts), xê ri (series – tiếng Anh, série – tiếng Pháp), váy (jupe), lăng xê (lancer)... như nhiều từ tiếng Pháp đã được Việt hóa hoàn toàn như ô tô buýt (autobus), bơ (beurre), pho mát (fromage), xà phòng (savon), cao su (caoutchouc), săm (chambre), lốp (enveloppe)…

Việc du nhập các từ nước ngoài vào tiếng Việt là một quá trình có thể nói là tự nhiên. Song, chúng ta nên du nhập một cách thận trọng.

Tôi nhớ có một thời gian khá dài, nhiều người dùng một cách thiếu chính xác từ “speaker” để chỉ người dẫn chương trình trong văn nói và cả trong văn viết. Rất may là người ta đã sớm nhận ra là “speaker” không có nghĩa này. Vì thế, hiện nay không ai sử dụng một cách sai lầm như thế nữa.
Nguyễn Thế Giang