Quốc Phương
BBCvietnamese.com
Quần chúng là một dãy số không. Nhưng sức mạnh của dãy số ấy được nhân lên bao nhiêu lần, phụ thuộc vào con số đứng trước các con số đó là bao nhiêu,’ đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết dẫn một châm ngôn phương Tây để nói về tầm quan trọng của quản lý.
Giáo sư Thuyết tỏ ra tán thành với chủ đề năm học mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phát động trong bức thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân gửi 63 tỉnh thành cả nước hôm 01/09, theo đó đây là ‘Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.’
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi này với BBC Việt ngữ hôm 07/9/2009, vị Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng nhiều thay đổi và phong trào của ngành giáo dục thời gian qua ‘vụn vặt’ và ‘chưa đi vào bản chất.’
Giáo sư Thuyết cũng đặt vấn đề cần tính toán lại việc lâu nay Việt Nam đưa vào giảng dạy bắt buộc ở bậc đại học và cao đẳng các môn học chính trị, tư tưởng Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử đảng cộng sản v.v…
Bình luận về hai trọng tâm ‘quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng’ được nêu trong bức thư nhân dịp khai giảng năm học mới của ông Nguyễn Thiện Nhân, ông Thuyết nói:
"Nếu người quản lý mà giỏi, sẽ liên kết và tập hợp được sức mạnh của quần chúng và sẽ làm nên được những thành tựu. Tôi hy vọng với đổi mới về quản lý, giáo dục Việt Nam sẽ có những bước tiến mới."
Thế nhưng, ông Thuyết, cũng đặt ra câu hỏi thế nào là đổi mới quản lý: "Chính phủ cũng đang trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục.
"Nhưng chúng tôi cũng thấy những sửa đổi, bổ sung này chưa căn bản. Cần có những sửa đổi căn bản hơn, hệ thống hơn thì mới thúc đẩy được giáo dục phát triển."
‘Ôm đồm, ứng thí’
Về vấn đề phân công, phân cấp quản lý, mà có thể hiểu rộng thêm là phân quyền, tản quyền, ông Thuyết thẳng thắn cho rằng Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam vẫn ôm đồm quá nhiều :
"Bộ thu vào mình quá nhiều công việc và bây giờ cần trả lại những quyền nhất định cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, các địa phương và Bộ chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước thôi."
Đại biểu này cũng lưu ý về năng lực đội ngũ quản lý ở các trường, sở địa phương : "Những người quản lý cụ thể ở đây cũng cần phải được bồi dưỡng năng lực để có thể đảm trách nhiệm vụ của mình một cách tốt nhất."
Chính phủ cũng đang trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục. Nhưng chúng tôi cũng thấy những sửa đổi, bổ sung này chưa căn bản. Cần có những sửa đổi căn bản hơn, hệ thống hơn thì mới thúc đẩy được giáo dục phát triển.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Trước câu hỏi về tình trạng không nhất quán ở trong nước khi đánh giá mô hình giáo dục Việt Nam hiện đang gặp khủng hoảng hay là không, ông Thuyết cho hay :
"Tôi cho rằng đánh giá về giáo dục Việt Nam hiện nay có một số các xu hướng. Trong đó có xu hướng phủ nhận hoàn toàn, cũng có xu hướng có ý đề cao, bênh vực. Tôi không cực đoan, không thiên về một hướng nào mà cho rằng nên đánh giá một cách công bằng."
Giáo dục Việt Nam trong mấy chục năm qua, theo ông Thuyết, đã đào tạo được một thế hệ người có đủ năng lực ‘thực hiện đường lối đổi mới’, ‘góp phần đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc’ và ‘tình trạng kém phát triển’.
Tuy nhiên, vẫn theo ông, so với yêu cầu thực tế đang đặt ra, và một số nước xung quanh, Việt Nam còn cần phải ‘hết sức cố gắng thì mới theo kịp’.
"Đúng là giáo dục phải có những đổi mới mạnh mẽ, căn bản, từ hệ thống cho tới tính chất của nền giáo dục. Vì nền giáo dục Việt Nam từ trước tới nay vẫn mang tính chất ứng thí nhiều," ông Thuyết giải thích.
"Tức là để đối phó với các kỳ thi, để lấy bằng cấp, chứ chưa gắn bó chặt chẽ với thực tế, với thị trường lao động và chưa trở thành một bộ phận hữu cơ của thị trường này"
"Các thay đổi trong ngành giáo dục, những phong trào của ngành giáo dục đúng là vẫn còn có tính chất vụn vặt, chưa đi vào bản chất những việc cần giải quyết.
"Tác động của nó ở đâu đó, ở một vài bộ phận nào đó thì có, nhưng một cách tổng thể, để tạo ra một sức mạnh mới, thì chưa có," Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhận xét.
‘Cần tính toán lại’
Về câu hỏi bao giờ các đại học, cao đẳng có thể bỏ hẳn việc dạy phổ cập các môn học chính trị, lý luận Mác-xít, chủ nghĩa cộng sản khoa học, lịch sử đảng cộng sản v.v…, như ý kiến của nhiều chuyên gia trong nước, đại biểu Thuyết cho hay:
"Chúng ta cần tính toán lại các môn chung trong nhà trường, ngoài các môn Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử đảng cộng sản…, còn có các môn khác như giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, chiếm một thời lượng tương đối lớn.
"Cần tính các môn này cần cho các khối ngành nào. Vì có những khối, ngành gắn bó chặt chẽ với các môn đó. Còn có những khối ngành khác thì xa hơn, nên phải tính lại cho hợp lý."
GS Nguyễn Minh Thuyết còn là đại biểu Quốc hội
GS Thuyết, người từng làm Phó Hiệu trưởng ở một đại học xã hội, nhân văn trong nước, cho rằng cần đặt các ‘môn học’ chính trị, tư tưởng này trong một hệ thống những môn có tầm khái quát cao hơn như lịch sử triết học, lịch sử Việt Nam, lịch sử tư tưởng để có lôgíc hơn.
"Trong quá trình học tập, nếu quan tâm, có nguyện vọng, các sinh viên có thể được hướng dẫn hoặc tự nghiên cứu sâu hơn phần này, hoặc phần khác," ông nói thêm.
Ông cũng lưu ý việc cần so sánh với chuẩn quốc tế : "Sinh viên ta ra nước ngoài khó được công nhận bằng cấp và có thể bị đòi hỏi học bù lại thời lượng đã học các môn chung đó.
"Mặt khác, các sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài, không học các môn đó, mà Việt Nam phải công nhận là người có trình độ đại học và cũng sắp xếp công việc như những người đã học các môn đó với thời lượng rất nhiều, e rằng, có sự mất công bằng."
Ông đề xuất chỉ nên để những người tốt nghiệp muốn trở thành công chức nhà nước, bồi dưỡng, tăng cường thêm các môn lý luận, chính trị này ở các trường công chức.
Còn những người khác làm việc ở các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, các khu vực dân doanh v.v… không nhất thiết phải học sâu.
‘Khoảng trời sáng tạo’
Với thâm niên trên dưới bốn chục năm trong ngành giáo dục, khi được hỏi điều gì làm ông chưa hài lòng, GS Thuyết cho hay, trước hết, giáo dục Việt Nam chưa gắn kết với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, với xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam.
"Gắn bó chặt chẽ và phục vụ cho các bộ phận khác trong xã hội, thì giáo dục mới tuân theo quy luật phát triển tự nhiên và có một kết quả tốt đẹp hơn.
"Còn nếu tiếp tục đi theo con đường hàn lâm, tách rời thị trường lao động, tách rời các vấn đề vừa đề cập, thì rõ ràng giáo dục khó thoả mãn được yêu cầu của xã hội."
Ông Thuyết lấy ví dụ việc phân ban đại học cho tới nay là chỉ phục vụ kỳ thi đại học, cao đẳng mà không gắn bó với thị trường lao động, không như ở một số nước mà ông từng tham quan, khảo sát như Pháp hay Đức.
Giáo sư Thuyết còn xác định vấn đề đối với giáo viên: "Ông thầy ở Việt Nam có những thế hệ được đào tạo rất cũ và không theo kịp cái mới. Đặc biệt, phương pháp dạy học rất cổ.
"Thêm nữa, ông thầy này lại bị ảnh hưởng của xã hội mà một phần mang tính gia trưởng. Khi sự gia trưởng này vào nhà trường, người học trở có thể trở nên rụt rè và thiếu sức sáng tạo."
Thế nhưng, vẫn theo ông Thuyết, người từng chủ biên nhiều công trình giáo khoa ở bậc phổ thông môn tiếng Việt, thì chính người thầy ở Việt Nam ‘cũng không được tự do’ :
"Đây không nói tới vấn đề hệ thống chính trị, mà về quản lý chuyên môn, bộ hay sở quản quá chặt, quản tới từng giờ, theo đó, người thầy phải dạy cái gì và phải theo sách.
"Vì nếu đi dự giờ, mà thấy giáo viên không theo đúng hướng dẫn của sách giáo viên, người ta đã có thể hạ điểm chấm thi giáo viên. Điều đó làm cho giáo viên không thể sáng tạo.
"Cần phải để cho giáo viên một khoảng trời sáng tạo, phù hợp với lớp học, học sinh, thì người ta dạy học mới tốt," đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói.
Tuesday, 8 September 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Rất dũng cảm.
ReplyDeleteViệc giảm thiểu số "bộ môn chung" là việc làm cấp bách.
Giáo viên cần phải được coi trọng với tư cách là những động lực chính thúc đẩy phát triển giáo dục.