Tuesday 24 May 2011

Nỗi niềm ngày bầu cử năm nay

Tuần nào, tôi cũng phải cày từ thứ hai tới thứ bảy. Tôi chỉ có ngày chủ nhật để làm việc nhà.

Chủ nhật này với tôi lại càng bận rộn. Thứ sáu này chúng tôi về quê dự lễ cầu siêu 49ngày cho Bố. Hôm qua vợ chồng bác cả cùng đứa cháu nội của hai bác tới chơi. Thực ra là hai bác đại diện cho Mẹ tôi đi mời mấy gia đình xui gia dưới này nhân dịp đó.
Buối trưa hôm qua, vừa dạy học vừa tranh thủ nấu cơm mời hai bác. Nhà neo, chỉ có tôi ở nhà. Trong lúc tôi nấu ăn (lúc đó cũng đã dạy xong rồi), con bé cháu gái ngồi nghịch trò chơi trong điện thoại di động, nhưng nó cứ mân mê tập giấy màu mà tôi vẫn dùng để dánh dấu trang khi đọc sách hoặc sổ theo dõi giảng dạy hàng ngày của từng học sinh. Tập giấy đó với tôi là rất cần thiết vì nó thiết thực. Hơn nữa, nó lại cũng đang dùng dở rồi. Tôi đang hí hoáy nấu cơm thì nó bảo, “bà cho cháu tập này nhé”. Tôi đáp lại, “cháu lấy để làm gì?” Đơn giản hỏi thế vì nó tới hè này mới vào lớp một. Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nó thích mắt thì xin chứ chưa nghĩ nó làm gì.
Ăn trưa xong, tôi đưa hai bác tới bà nội TN, khi quay về bàn làm việc thì thấy tập giấy vẫn còn ở nguyên đó. Thực sự là tôi tự dưng thấy lăn tăn. Ở nhà mình, cứ thấy trẻ con thích gì là mọi người đáp ứng ngay. Nếu không đáp ứng ngay, người lớn có thể suy luận này nọ. Có thể khi con bé hỏi tôi, bà nó nghe thấy thế và đã ngăn nó lại, không để cho nó lấy tập giấy đánh dấu trang đó nữa.

Tôi chỉ đơn giản nghĩ là tôi cần tập giấy đó hàng ngày, còn nó thì chỉ vì thích mà xin chứ không thật sự biết dùng cái đó để làm gì.

Tuy nhiên, sự việc cứ làm cho tôi lăn tăn cả đêm. Người ở quê họ hay kĩ tính. Nhưng thực sự tôi không quan tâm lắm tới chuyện đó. Tôi chỉ nghĩ dù là trẻ con thì cũng không phải là người lớn cứ phải đáp ứng mọi thứ mỗi khi nó bày tỏ.

Nhưng mà nó đúng là một đứa trẻ ngoan. Nó biết nghe lời bà nó không đòi bằng được tập giấy đánh dấu nhỏ xíu kia.

Sáng hôm nay, tôi dậy sớm. Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải tới FAHASA để xem có văn phòng phẩm gì hay ho cho bọn trẻ con và nhất định phải tìm mua cho nó tệp giấy đánh dấu trang nhân dịp năm học mới (cũng là để dạy cho nó luôn cách giữ gìn sách khi đọc).

FAHASA nằm ở lầu ba của COOP MART Sài Gòn. Thế là đương nhiên tôi tranh thủ đi chợ luôn, mua thực phẩm cho cả tuần (mà thường thì tôi đi vào tối thứ 3, vừa được thưởng điểm, vừa ít người hơn). Sau khi đi shopping xong (gớm chết, hôm nay chủ nhật đông dã man luôn) vợ chồng tôi còn tới nhà cô em gái vì buổi trưa hôm nay gia đình cô ấy mời cơm hai bác nhân dịp xuống Hà Nội. Chúng tôi cũng nhân dịp đó bàn chuyện đi lại vào cuối tuần này xem xe cộ thế nào.

Kế hoạch thì thế, nhưng hôm nay nó lại vướng một việc: đi bầu cử.
Tôi biết kế hoạch bầu cử thực hiện trong cả ngày và người ta sẽ đóng hòm phiếu vào 7pm chủ nhật. Tôi cũng được biết, dù mọi người có đi bỏ phiếu sớm thì họ vẫn ngồi đó tới hết 7pm mới kết thúc mọi việc.

Thú thực trong đời tôi cũng đi bầu cử vài lần (lần nào cũng đi từ sớm), nhưng chưa có lần nào tôi cảm thấy ngán ngẩm như lần này. Tôi ngán thực sự và tôi cứ lần chần không muốn đi. Nếu không đi (ai dám không chứ!) thì tôi chắc chắn rằng thành tích họ thông báo vẫn là 99% thôi. Con số quá cao ở nước dân chủ được ngầm hiểu là “chính hiệu” không bao giờ mơ tới được.

Còn nhớ lần trước, có ông tổ trưởng dân phố mắt mờ tay chống gậy vào buổi tối hôm trước ngày bầu cử còn tới nhà tôi bấm chuông và nhắc nhở hôm sau nhớ bầu ông này bà kia.

Tôi chưa bao giờ biết được những người mình sẽ đi bầu là ai, họ đã là gì và có những thành tích gì, cũng như không hiểu họ vào hội đồng rồi thì họ sẽ làm những gì để có thể “đại diện” cho tôi.

Nhưng kể cả lần tệ hại đó (được nhắc nhở bầu ai bầu ai đó) thì tôi cũng không có cảm giác thờ ơ như lần này. Chưa bao giờ trong tôi lại có cảm giác bất tin vào mọi thứ như bây giờ. Cái này nó rất tự nhiên, không cưỡng ép (tôi vốn theo chủ nghĩa tự nhiên, chỉ làm những điều gì mình thích, trong khuôn khổ cho phép).

Nếu hôm trước không gặp bà trưởng thôn (lúc đi đổ rác) được dúi cho mấy trang giấy ghi tên mấy ông bà hội đồng tương lai thì thực ra tôi cũng không nhớ ra là ngày hôm nay cần đi bầu cử. Thậm chí tôi còn nhầm là lẽ ra từ tuần trước, mà cả nhà tôi đi Sóc Sơn định đặt cọc tiền mua lô đất đồi trên đó vì sợ mấy đồng tiền còi cọc mình tàng trữ bấy lâu nay mất giá.

Ngủ dậy, bật TV, thấy truyền hình trực tiếp về bầu cử khắp nơi và anh dự báo thời tiết, thay cho việc cần phải dự báo thời tiết thì đi mô tả không khí bầu cử, rồi nhắc bà con đi bầu cử sớm kẻo chiều nắng nóng, bị cảm (miền Nam), và có thể gặp giông bão (miền bắc). Sau đó thì TV phỏng vấn hai ông nào đó trong danh sách ứng cử. Đúng là trò cười. Thô thiển hết sức. Nếu định lăng xê cho họ thì làm vào lúc khác và tạo ra cái cảm giác sao cho công bằng, đằng này làm thế, khác gì nói “hãy bỏ phiếu cho ông này đi”. Thô quá.

Tôi tranh luận thế với chồng. Ông chồng phản lại nói rằng việc của họ là tuyên truyền. Xưa nay họ vẫn thế.

Tôi không chịu, nói đài báo làm tuyên truyền thì cũng phải thông minh. Trước đây, có thể họ vẫn làm lộn xộn nhưng không truyền thanh truyền hình trực tiếp, do vậy, những cảnh tượng dân chủ giả hiệu có thể vẫn thường có nhưng nó không phơi bày công khai. Đằng này, truyền thông công khai làm những việc đó, hóa ra tự vả vào mặt mình và khoe cho bàn dân thiên hạ biết cái thực sự của chuyện bầu bán là gì.

Lúc nào đó loáng thoáng trên TV đưa tin một nhóm người mang một hộp phiếu tới giường một bà già (chắc đã chết thực vật, hoặc không còn cảm giác), một bàn tay nào đó lướt qua bảng danh sách bầu cử và màn TV chiếu rõ cảnh cụ già đó với toàn cảnh, được coi là “đang thực hiện quyền công dân”. Tôi thầm nghĩ, không biết người ta có phải phơi bày cái “quyền” đó không? Để làm gì khi nói rõ rằng “Ờ ờ, công dân của một nước có quyền đi bầu cử và được sự quan tâm của chính quyền” nhưng đồng thời một người bình thường cũng có thể thấy rõ, cái quyền đó nó thực sự hình thức làm sao. Một cuộc bầu cử có tới gần 100% cử tri đi bỏ phiếu nhưng thực chất lại là những lá phiếu “bầu hộ” và những lá phiếu “vô nhận thức” dạng kia. Một sự xem trọng hình thức đi vào máu thịt, nó tự nhiên tới mức không còn ai thèm để ý tới hệ quả nó mang tới là gì. Vậy mà ai ai cũng chấp nhận nó. Việc bầu cử thế này thực ra chỉ tốn tiền ngân sách. Thà rằng đã định cho ai vào danh sách thì cứ cử người ta làm cho gọn, giống như kiểu “thi tốt nghiệp điêu toa gian lận” nhưng vẫn phải thi. Hết chuyện để than phiền. Và cũng chẳng ai thèm than phiền.

Tôi mất hứng đi bầu cử. Tôi cứ tự nhiên có niềm tin rằng chẳng ai đếm xỉa tới lá phiếu của mình, rằng mọi chuyện đã sắp đặt xong rồi và đi bầu chẳng qua là cho có đi thôi. Không phải mình tôi nghĩ thế, ít nhất tới 99.9% những người tôi biết nói thế. Vậy thì mình đi sớm hay muộn cũng chẳng có nghĩa lí gì.

Ông xã vừa ăn sáng xong thì cầm hai lá phiếu cử tri săng sái đi bỏ phiếu thay (trời ơi, cố súy cho tình thần yêu nước và nghĩa vụ công dân lại tự mình phạm luật kìa). Tôi không cho. Tôi bảo việc của tôi bầu thì để tôi đi không cần người đi bầu hộ. Nhưng ông xã thì không nghĩ tới chuyện đó, nói rằng cần đi bầu sớm để giúp họ có thành tích là “hoàn thành thời gian sớm nhất”.

Tôi muốn đi FAHASA mua quà cho cháu, tiện đi shopping mua thực phẩm cho cả nhà trong tuần rồi quay về bầu xong thì đi qua nhà cô em luôn thể.

Ông xã không chịu nói làm thế là thiếu tôn trọng luật pháp và chính quyền. “Mình không thể đi bầu cử trong tình trạng đầu đội mũ bảo hiểm”

Tôi không hiểu cái lập luận đó. Nhưng tính tôi thế, đã quyết gì thì không muốn thay đổi. Việc shopping tìm thứ quà cho cháu bé cần thiết hơn là chuyện đi bầu cử. Ít nhất tôi cho rằng, làm cho cháu bé vui sướng còn thích thú hơn là làm cho những người khác vui sướng.

Thế là chúng tôi đi shopping mà chưa đi bầu cử.

Shopping về rồi đã hơn 11am, trời nắng dữ dội. Tôi đang nóng lòng sang nhà cô em vì các bác đang đợi bên đó rồi. Ông xã lại nói” đợi tôi đi cắt tóc đã”.
Tôi biết thế thì toi rồi vì ông xã đầu bạc phơ. Mỗi lần đi cắt tóc xong là phải nhuộm tóc. Nhưng tôi vẫn chờ (ngầm hiểu rằng, khi người ta không thích việc gì thì người ta có xu hướng chần chừ công việc phải làm). Khi chúng tôi bước chân ra khỏi nhà thì đã gần 12am rồi.

Không thấy ông xã cầm theo phiếu cử tri.

Thôi sang đó rồi về chiều đi bầu cũng được. 7pm mới đóng hòm phiếu cơ mà.

Ăn uống xong cũng hơn hai giờ chiều. đang nói chuyện thì bà trưởng thôn gọi điện thoại cho ông xã hỏi sao chưa đi bầu cử.

Ông xã quay sang than thở với mọi người, rằng thì là mà tôi là quần chúng không tốt, thích gây chống đối, nếu thích chống đối thì lên rừng mà chống đối (đúng là điên, cứ làm như tôi là phần tử này nọ. Tôi làm quái gì có thời gian cho những việc đó. Ngày nào chả cày từ sáng tới tối chứ trông vào mấy đông lương còi cọc của nghiên cứu viên cốt cán kia thì có mà tôi đói dã họng ra rồi, chứ nói gì tới chuyện này nọ).

Thực ra tôi hiểu là ông xã rất giận tôi. Ông lo rằng cuối năm khi cơ quan yêu cầu ông lấy nhận xét của thôn về tư chất đảng viên, ông sợ bị người ta ghi cho ông là đi bầu cử chậm hơn mọi người.

Rồi ông rủa tôi là không biết nghĩ tới những người ở tổ bầu cử. Rằng tất cả chắc họ đã đi bầu hết rồi chỉ còn gia đình tôi chưa đi, rằng tôi cố tình chống đối chính quyền (vợ chông đầu gối tay ấp với nhau mà sợ ảnh hưởng chính trị đã sẵn sàng qui chụp nhau như thế thì còn gì thê thảm hơn cơ chứ!).

Tôi chẳng quan tâm tới những cái đó. Đơn giản, tôi nghĩ, họ làm việc tới 7pm nên tôi có quyền đi lúc nào tôi muốn miễn sao tôi tới đó trước giờ chót.

Nhưng ông xã quả quyết tôi làm ảnh hưởng tới phong trào thi đua bầu cử của phường, rằng họ cần có thành tích có cử tri đi bầu nhanh.

Tôi khăng khăng đằng nào họ cũng không được phép rời vị trí trước thời gian quy định. Trong thâm tâm nghĩ, nếu thực sự họ có nhu cầu lấy thành tích như vậy, họ chỉ cần báo cho cử tri biết rằng mọi người cần đi bầu trước X giờ là xong. Tôi đi bầu muộn thì có sao. Họ có việc của họ, tôi cũng có việc của tôi và đương nhiên tôi sẽ làm cái gì tôi thích trước.

Chúng tôi cãi nhau to lắm bên nhà cô em vì suốt buổi ông chồng tôi cứ lầu bầu và cho rằng tôi cố gắng chống đối chính quyền không chịu đi bầu cử sớm để cho họ có thành tích.

Khi về tới nhà, chúng tôi đi bầu cử ngay.

Lúc đó chừng 4.15 pm và dường như chúng tôi là những người chót. Cả nhà ăn sinh viên của trường đầy cán bộ bầu cử, thực ra là tất cả họ là những cán bộ đã nghỉ hưu đang ngồi tán gẫu với nhau ở đó.

Tôi cầm theo mấy tờ hôm trước bà trưởng thôn đưa cho. Danh mục ứng cử quốc hội, hội đồng thành phố, quận tôi đã nghiên cứu khá kĩ “gạch” ai (thực ra cũng tù mù vì tôi chẳng biết ai vào ai), thế là đành tù mù gạch theo nguyên tắc của cá nhân mình: tôi gạch ngay tất cả những ai làm công tác đoàn thể như là đoàn thanh niên, phụ nữ, hội nọ hội kia. Tiêu chí thứ nhì là những ai có ít nhất hai bằng đại học nhưng mà là bằng luật và hành chính hay quản trị này nọ (99% tôi đồ là mua bằng hoặc thuê học tại chức). thế nên trong danh sách mà tôi có, chỉ còn lại những ông bà nào làm doanh nghiệp (ít nhất hình dung họ là những người làm việc cụ thể). Tôi cũng biết là mình làm thế có thể phi lí bởi vì biết đâu họ - những người bị gạch theo tiêu chí của riêng tôi - có thể đầy cảm tính – bị oan. Nhưng mà tôi thì làm gì có lựa chọn nào khác bởi ít nhất nếu trong thời gian tranh cử họ tiếp xúc (hay được quyền tiếp xúc) với (chúng) tôi thì may ra (chúng) tôi còn biết họ thế nào. Tôi tự đề ra tiêu chí cho mình là tôi cũng đã thể hiện sự trách nhiệm của mình lắm rồi vì ai cho tôi cái quyền được biết về cá nhân người ứng cử đâu (ngoài tờ giấy có tên và trích ngang vài ba chữ kia - ấy thế mà một người tự hào là có trách nhiệm với cộng đồng như ông xã tôi cũng chẳng có mấy tờ giấy đó mà tôi thề rằng ông xã không biết tên bất cứ một người nào cho tới khi cầm mấy tờ trắng xanh hồng ở nơi bầu cử kia).

Hỏi ra mới biết, cũng có nhiều người đồng ý với quan điểm của tôi. Một số thanh niên còn cứ thấy ông nào đã giữ chức rồi là “gạch”. Đơn giản vì “nó ăn nhiều rồi, cho nó nghỉ”.

Xem ra khi “gạch”, ông xã cũng nhất trí với quan điểm của tôi và nghe theo tôi “gạch” ông bà nào.

Ăn tối xong, chúng tôi lại cãi nhau một trận kịch liệt xung quanh chuyện bầu cử.
Lại vẫn luận điệu cũ là tôi “chống đối”, mà chống ai, nhìn cả hội trường đó, “toàn người quen”.

Tôi vặc lại nói rằng “anh không nên cáo buộc người khác những gì theo cảm tính của anh và nhìn nhận sự việc theo suy diễn của cá nhân mình”.

“Anh hãy nhìn lại thái độ của các bác các cô thế nào? Họ vui vẻ và nhiệt liệt tán thành mình đi bầu cử riêng rẽ không nhờ người là phạm luật. Mình cũng đọc kĩ danh sách và bầu. Riêng phường thi không được đọc trước nhưng nhìn thấy hai bác hàng xóm là mình không gạch rồi (trong khi hai bác trong ban bầu cử bô bô chê người này người nọ). Thì cũng có sao đâu, bởi có ai được biết ai thế nào đâu với kế hoạch hành động của mình nên dù có chửi người ta hay khen người ta đều từ lăng kính cá nhân, rằng mình thích hay ghét người đó, chứ không hề nhìn nhận xem họ với tư cách là con người làm việc thì tốt thế nào và xấu ra sao. Thì họ có cơ hội để thể hiện dự định của mình đâu. Trách ai giờ!

Ngày bầu cử đã qua đi. Ngoài trời đang mưa ầm ầm. ông xã đã đi ngủ mà tôi còn ngôi đây. Gần nửa đêm rồi. Ấm ức. Chỉ vì bầu cử mà ngày hôm nay hai trận cãi nhau tơi bời. Trong tôi còn trào lên một cảm giác tức giận. “Nếu mình có chuyện gì, chắc chắn ông xã là người kết tội mình đầu tiên”. Trong thâm tâm ông xã vẫn nghĩ bản thân là đảng viên phải giác ngộ quần chúng. Mà quần chúng cứng đầu như mình thì ảnh hưởng tới đảng viên như ông xã.

Mình thấy ngán (cái gì đã khiến một tiến sĩ khoa học có tầm nhận thức độc lập lại mông muội như vậy!). Làm người mà cứ phải theo một khuôn mẫu mà chắc chắn biết rằng nó là khuôn mẫu giả tạo.

Làm người cần có đủ bản lĩnh để chịu trách nhiệm về hành động của mình và làm cái mình cho là đúng. Thế chẳng sướng hơn sao!

Không có cái khổ nào bằng cái khổ làm nô lệ cho những ý tưởng phi lí của chính bản thân mình hoặc của ai đó mà mình không khoái vẫn phải theo.

(Không hiểu ông xã có tự cảm thấy mình có lỗi không nhưng một lúc sau thì chạy tới chạy lui nịnh nọt massage chân cho vợ. Nhưng mấy hôm nay, thực tình là tôi rất mất cảm tình với cái kiểu tư duy đó của ông xã. Vẫn nói chuyện tỏ ra bình thường nhưng mà thấy hãy còn miễn cưỡng lắm).

No comments:

Post a Comment