Wednesday, 26 August 2009

Giảng viên vừa thiếu vừa yếu

TT - “Tập trung giải quyết yếu kém trong quản lý giáo dục ĐH” là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2009-2010 tại hội nghị tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới khối các trường ĐH, CĐ do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 25-8.



Giảng viên trẻ Trường ĐHSP TP.HCM Nguyễn Hồ Phương Chi trong một giờ dạy tiếng Anh tại trường -Ảnh: Như Hùng


Theo Thủ tướng, chính quản lý nhà nước còn yếu kém, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập nên chưa huy động, khai thác được nhiều nguồn lực trong xã hội, trong dân, chưa tranh thủ, thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài để phát triển giáo dục ĐH. “Phải rà soát khung pháp lý để quản lý các trường ĐH, CĐ trong khuôn khổ pháp luật để không phải xin-cho” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội - Bộ GD-ĐT đã thừa nhận như vậy khi đánh giá về những hạn chế, yếu kém của giáo dục ĐH hiện nay.

376 trường, chỉ có 320 giáo sư!

Năm học 2009-2010: tất cả các trường phải chuyển sang học chế tín chỉ

- Rà soát quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu, đánh giá mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm... Chấn chỉnh các tình trạng có quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu trái pháp luật, sinh viên vi phạm quy chế thi, tốt nghiệp và giáo viên chấp nhận các tiêu cực đó.

- Tiếp tục chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, là năm học bản lề để các trường chuẩn bị đến năm học 2010-2011 tất cả phải chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ.

- Xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp đầu ra và thực hiện “ba công khai” trong đào tạo, đến cuối năm 2010 các trường phải công bố công khai về năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo và tài chính. Các trường phải công khai mức học phí của từng năm học và dự kiến cả khóa học cho người học trước khi thực hiện tuyển sinh.

- Thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng các trường ĐH, CĐ, phấn đấu đến hết năm 2010 có 90% các trường ĐH, CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, 80% các trường ĐH và 50% các trường CĐ được đơn vị khác đánh giá.


Bộ GD-ĐT cho rằng chất lượng giáo dục ĐH bị ảnh hưởng khá nhiều bởi tình trạng “các trường thành lập mới, nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp lên CĐ hoặc CĐ lên ĐH chủ yếu là các trường tư thục và các trường đóng tại địa phương, chưa thực hiện đúng cam kết khi thành lập trường, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển trường chậm làm ảnh hưởng đến điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”.

“Đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng và yếu về chất lượng” được Bộ GD-ĐT coi là “hạn chế lớn nhất” ở những trường ĐH, CĐ này. Nhiều trường ngoài công lập được thành lập trong tình trạng “vay mượn” hoàn toàn đội ngũ giảng viên, đến khi thành lập đi vào hoạt động thực tế chỉ có trong tay vài ba cán bộ, giảng viên cơ hữu.

Nhưng giảng viên không chỉ là vấn đề của riêng những trường mới thành lập hay ngoài công lập. Ngay cả đối với toàn hệ thống giáo dục ĐH, bao gồm những trường ĐH công lập lớn, thực trạng đội ngũ giảng viên cũng đáng báo động. Vụ Giáo dục ĐH cho biết: tính đến ngày 10-8, tổng số giảng viên cơ hữu của tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước là 61.190 người.

Nếu chỉ xét về số lượng thuần túy thì con số này đã tăng hơn 5.000 người so với năm học 2007-2008. Nhưng nếu xét về chất lượng, đội ngũ giảng viên ĐH, CĐ đang có sự sút giảm đáng kể. Số giảng viên có trình độ tiến sĩ trong các trường ĐH, CĐ hiện chiếm 13,86%, giảm so với tỉ lệ 14,33% của năm học 2007-2008. Hiện cả nước chỉ có 6.217 giảng viên ĐH, CĐ có trình độ tiến sĩ. Cả nước có 376 trường ĐH, CĐ nhưng số giảng viên có chức danh giáo sư trong cả nước là... 320 người. Lực lượng kế cận là các phó giáo sư cũng chỉ chưa đầy 2.000 giảng viên có chức danh này.

Thực trạng này dẫn đến “một số trường thiếu cán bộ đầu đàn, không đủ cán bộ có kinh nghiệm giảng dạy và có trình độ cao ở từng lĩnh vực chuyên môn chính, vì vậy không đủ cả năng lực biên soạn giáo trình”- bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho biết.

Sai phạm từ liên kết đào tạo

Thế nhưng đội ngũ giảng viên vừa yếu về chất lượng vừa thiếu về số lượng đó vẫn đang phải gánh cả số lượng đào tạo không chính quy khổng lồ với gần 900.000 sinh viên, trong đó chủ yếu là chỉ tiêu đào tạo theo hình thức liên kết. Kết quả thanh tra hoạt động liên kết đào tạo (LKĐT) mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy hầu hết các trường ĐH đều có hoạt động LKĐT, một số trường như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Cần Thơ... có quy mô LKĐT rất lớn.

“Một số trường triển khai LKĐT với quy mô khá lớn, cả với ngành mới được phép đào tạo, đội ngũ giảng viên chưa nhiều như ngành kế toán của Trường ĐH Nha Trang, dẫn đến vượt quá năng lực của trường...” - ông Nguyễn Văn Chiến, chánh thanh tra giáo dục, cho biết.

Do thiếu giảng viên, hầu hết các lớp LKĐT được tổ chức học cuốn chiếu từng môn, nhiều môn học không dạy đủ số tiết quy định để tiết kiệm chi phí và dễ bố trí giảng viên - ông Nguyễn Ngọc Trúc, phó chánh thanh tra giáo dục, cho biết. Môn triết học có 60 tiết dạy trong... năm ngày - đó là thực tế đã diễn ra ở lớp LKĐT của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Tiền Giang.

Kỷ lục hơn là với số tiết dạy tương tự của môn triết học, lớp LKĐT ngành kế toán của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Long An chỉ cần dạy trong... ba ngày rưỡi. Cũng ở lớp này, 60 tiết môn tin học được dạy trong ba ngày rưỡi, 60 tiết môn toán xác suất thống kê dạy trong... ba ngày đã xong.

“Mỗi giảng viên về địa phương sẽ dạy một mạch vài ngày hết một môn rồi tổ chức thi hết môn ngay sau đó. Dạy liên tục với cường độ cao 8-10 tiết/ngày, lại chỉ học một môn duy nhất, khả năng truyền đạt của thầy và khả năng tiếp thu của người học đều bị hạn chế rất nhiều. Học liên tục 5-6 ngày để hết môn, người học làm sao có thể tiếp thu được kiến thức”- ông Trúc nhận xét.

THANH HÀ

Tiếng Hà Nội

Phạm Đình Trọng

Nhà văn đang sống ở TP. HCM



Không dễ tìm trả lời văn hóa Hà Nội là gì
Sự kiện Một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội rất xứng đáng được ngân sách nhà nước đầu tư khỏan tiền lớn để có những công trình đánh dấu một mốc son thời gian, một bề dày lịch sử vẻ vang của một Thủ đô văn hiến.

Nhưng đầu tư hàng ngàn tỉ đồng làm những công trình hiện đại, hòanh tráng như đường hầm Kim Liên – Đại Cồ Việt để rồi chỉ một trận mưa ngay sau ngày khánh thành đã biến hầm giao thông hiện đại tầm cỡ thế giới trở thành bể ngầm chứa nước mưa thì liệu có đáng?

Đầu tư cả trăm tỉ đồng làm bộ phim về những nhân vật, những sự kiện lịch sử của Thăng Long – Hà Nội.

Bộ phim đang được thực hiện ồn ào, ráo riết nhưng liệu có thóat được số phận của những bộ phim “cúng cụ”, bộ phim chỉ như một thứ lễ vật, bình hoa, đĩa trái cây, dâng lên bàn thờ trong ngày giỗ, ngày tết.

Phim làm xong, sau vài buổi chiếu chiêu đãi cho khách mời trong lễ kỉ niệm rồi lại xếp im lìm mãi mãi trong kho vì phim đưa ra rạp chiếu không có người xem!

Tất cả những bộ phim làm bằng chục tỉ, trăm tỉ từ ngân sách nhà nước để kỉ niệm những ngày lễ lớn từ trước đến nay đều như vậy cả, đều chìm nghỉm, không một tiếng vang, không một dấu ấn! Có chăng chỉ để lại dấu ấn về sự hao hụt đồng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân!

Trong khi đó, nét hào hoa, thanh lịch của người kinh kì đã bị mai một, vơi cạn hầu như mất sạch, không còn dấu tích.

Con người văn hóa, cốt nền văn hóa của cư dân Thủ đô ngàn tuổi đã xuống cấp tới mức thê thảm thì không được nhìn nhận để đầu tư nâng cấp!

Một trong những nỗi đau lòng, nỗi tủi hổ về sự mất mát vẻ thanh lịch kinh kì, về sự xuống cấp cốt nền văn hóa người Hà Nội là tiếng nói Hà Nội lịch lãm, du dương và là chuẩn mực của tiếng Việt không còn nữa!

Sống ở Hà Nội hôm nay phải nghe quá nhiều tiếng nói thô lỗ, tục tĩu và ngọng nghịu!

'Nối sống trụy nạc'

Khát vọng lớn nhất của kẻ sĩ, những hiền tài đất nước là khát vọng cống hiến, giúp ích cho đời, làm lợi cho dân cho nước.
Người Hà Nội nói ngọng không còn là cá biệt, không chỉ có ở một vài người, không chỉ có ở tầng lớp bình dân.

Nói ngọng đã trở thành ngôn ngữ bình thường, quen tai của Hà Nội rồi! Học sinh, sinh viên nói ngọng!

Quan chức lên truyền hình cũng nói ngọng! Nói ngọng dẫn đến viết ngọng cả trong văn bản chính qui nhà nước.

Nói ngọng lúc đầu chỉ lẻ tẻ, thưa thớt, họa hằn đã được bỏ qua nên đến nay ngọng nghịu đã tràn lan, đã trở thành sự thách thức.

Cách đây hơn hai mươi năm, tôi đến Thư viện Quân đội ở số tám mươi ba phố Lý Nam Đế, Hà Nội dự phiên tòa của tòa án quân sự xét xử một sĩ quan là họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã chụp những tấm ảnh phụ nữ khỏa thân.

Mặc dù tôi rất muốn ngồi dự phiên tòa để chia sẻ với người bạn nghệ sĩ của tôi gặp nạn nhưng nghe ông thiếu tá chủ trì phiên tòa nói ngọng ''phải lói rằng chụp ảnh khỏa thân nà nối sống trụy nạc'' chối tai quá, thất vọng quá, mất lòng tin vào người cầm cân công lí quá, tôi phải bỏ về.

Anh bạn tôi, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, đại úy quân đội chỉ vì chụp ảnh khỏa thân đã bị ông quan tòa nói ngọng tuyên mức án bốn năm tù giam.

Ông thiếu tá nói ngọng cứ tuần tự thăng tiến tới đại tá và ngôn ngữ ngọng nghịu cũng tuần tự phát triển lan rộng như cỏ mùa xuân!

Ngôn ngữ ngọng nghịu lan nhanh từ người lao động lam lũ mình trần ngòai bến cảng đến công chức áo sơ mi trắng, giày da trong phòng máy lạnh, lan từ chợ búa, hè phố đến giảng trường, công sở!

Ngôn ngữ hình thành không phải chỉ ở cơ cấu vật chất của cuống họng, không phải chỉ ở cơ chế vận động của cái lưỡi, của răng, môi.

Ngôn ngữ còn do nền tảng văn hóa, do con người văn hóa, do cấp độ lịch lãm, tinh tế của tâm hồn, do truyền thống thanh lịch của vùng đất tạo thành.

Người dân đất kinh kì Tràng An, từ xa xưa vẫn có tiếng thanh lịch: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Chẳng thanh lịch cũng là người Tràng An, ca dao.

Có một thời, dân gian vẫn gọi đất kinh kì Thăng Long, Đông Đô là Tràng An. Người Tràng An thanh lịch từ lời ăn tiếng nói đến cung cách quan hệ, giao tiếp, ứng xử xã hội.

Thanh lịch từ việc làm ra những sản phẩm tinh xảo, sang trọng, có độ tin cậy cao đến sự tinh tế trong thưởng lãm nghệ thuật, thưởng lãm ẩm thực.

Kinh kì là nơi hội tụ tinh hoa cả nước, nơi những hiền tài, những nguyên khí quốc gia được phát hiện từ mọi miền đất nước đưa về kinh kì làm việc trong bộ máy nhà nước, lo cho dân cho nước, làm rạng rỡ nòi giống Việt Nam.

Quan chức nhà nước, những người cai trị đất nước bao giờ cũng là hình mẫu của xã hội. Quan chức lịch lãm thì xã hội lịch lãm.

Quan chức thô lỗ, dung tục thì xã hội thô lỗ, dung tục. Tinh hoa của đất nước dồn tụ về kinh đô tạo nên thanh lịch kinh kì. Vì thế thanh lịch là phẩm chất không thể thiếu của người kinh kì ngàn năm văn hiến.

'Chuẩn nghèo văn hóa'


Ông Phạm Đình Trọng nói Hà Nội nay đổi khác nhiều so với trước
Người Hà Nội nói ngọng tràn lan là một sự thông báo về cốt nền văn hóa, con người văn hóa, về cấp độ lịch lãm, tinh tế của người Hà Nội hôm nay.

Đó còn là biểu hiện mức độ hội tụ hiền tài đất nước. Bộ máy nhà nước lành mạnh phải là nơi thu hút, hội tụ hiền tài đất nước và bộ máy nhà nước trung ương ở thủ đô chính là nơi hội tụ hiền tài lớn nhất.

Nhưng một ông thứ trưởng họp báo lớn tiếng xỉ vả trí thức đã dám lên tiếng phản biện về dự án bô xít thì ông thứ trưởng đó dứt khóat không phải là hiền tài đất nước.

Trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhà nước đã định ra một chuẩn nghèo làm căn cứ bình xét người thuộc diện nghèo để được hưởng trợ cấp xóa nghèo.

Trí thức là thành phần ưu tú của nhân dân, những người có tầm trí tuệ cao và nhân cách văn hóa lớn. Họ chỉ nói theo mệnh lệnh của lẽ phải, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Họ không thể nói những điều ngược với lợi ích nhân dân dù đó là mệnh lệnh của quyền lực. Xỉ vả trí thức, ông thứ trưởng ấy hòan tòan đủ Chuẩn nghèo văn hóa!

Khát vọng lớn nhất của kẻ sĩ, những hiền tài đất nước là khát vọng cống hiến, giúp ích cho đời, làm lợi cho dân cho nước, khát vọng cho chứ không phải khát vọng bổng lộc, hưởng thụ, khát vọng nhận.

Sự tham nhũng, vơ vét lộng hành, trắng trợn trong đội ngũ quan chức ở mọi cấp, mọi nơi thì đội ngũ quan chức ấy dứt khóat không phải là hiền tài đất nước!

Một chế độ bầu cử dân chủ hình thức, người dân chỉ là chiếc máy bỏ phiếu dưới sự bấm nút và đôn đốc giám sát của cơ quan quyền lực, người dân hòan tòan bị gạt ra rìa trong việc đề cử, bầu chọn người tài.

Một cơ chế đề bạt, cất nhắc quan chức hòan tòan khép kín, trong tổ chức, theo ý muốn người có quyền dẫn đến việc chạy chức chạy quyền diễn ra như ngang nhiên ở khắp nơi thì bộ máy nhà nước ấy dứt khóat không thể thu hút được hiền tài thực sự.

Đó là nguyên cớ sâu xa dẫn đến sự dung tục, xuống cấp của con người công chức nhà nước và dẫn đến sự thảm hại của con người văn hóa Hà Nội hôm nay.

Đó là mảnh đất màu mỡ của cánh rừng ngôn ngữ Hà Nội dung tục và ngọng nghịu hôm nay.

'Lâu đài trên cát'

Chỉ quan tâm xây dựng văn hóa vật chất mà không chăm lo bồi đắp giá trị văn hóa phi vật chất là chúng ta đang xây dựng những lâu đài trên cát.
Các nhà khoa học từ nhiều nơi đến Hà Nội dự hội thảo khoa học vừa đến sân bay Nội Bài đã phải nghe một nhân viên sân bay xẵng giọng: Tôi không hỏi, ông đừng có lói, cứ theo tờ khai mà nàm!

Điều đó không còn là chuyện nhỏ nữa! Nói ngọng đã trở thành đặc trưng ngôn ngữ người dân sống trên mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến!

Điều đó không còn là chuyện nhỏ nữa!

Cũng đừng nghĩ rằng giữa đường ngầm giao thông hiện đại trở thành bể ngầm chứa nước mưa không có sự liên hệ với những người Hà Nội nói ngọng.

Mối liên hệ ở đây là cốt nền văn hóa, là con người văn hóa. Những người dân bình thường có cốt nền văn hóa kinh kì, có sự tinh tế lịch lãm kinh kì thì không thể nói ngọng.

Những trí thức thiết kế, thi công, chỉ huy thực hiện công trình đường hầm Kim Liên – Đại Cồ Việt có nhân cách văn hóa, có khát vọng cống hiến, khát vọng cho thì không thể làm ăn giả dối, tắc trách, rút ruột công trình, chỉ cốt sao kiếm lợi cho cá nhân, bỏ mặc chất lượng công trình!

Giữa những công trình hiện đại hòanh tráng và những con người thiếu hụt giá trị văn hóa nhân văn đã hiển hiện rất rõ thảm cảnh: Sự chênh lệch, khập khiễng quá lớn giữa giá trị văn hóa vật chất và văn hóa phi vật chất.

Chỉ quan tâm xây dựng văn hóa vật chất mà không chăm lo bồi đắp giá trị văn hóa phi vật chất là chúng ta đang xây dựng những lâu đài trên cát mà không có cọc móng!

Sunday, 9 August 2009

Phim "The Scent of Green Papaya"

Đạo diễn Trần Anh Hùng
Phim Mùi đu đủ xanh (1993)

Phim Xích Lô (Cyclo), 1995

Phim Mùa hè chiều thẳng đứng (The Vertical Ray of the Sun), 2000

Sunday, 2 August 2009

Những làng 'rỗng' và tiền mua sự bất trắc

Một năm sau mở rộng Hà Nội:

Cập nhật lúc 08:14, Thứ Hai, 03/08/2009 (GMT+7)
,
- Một năm quay trở lại, giật mình khi thấy nhiều làng quê của Hà Nội mở rộng đang trở nên "rỗng". Lề lối sinh hoạt làng xã đã đổi thay khi làng không còn ruộng, chẳng còn nhà nông, khi những lối sống không chọn lựa của đời sống thị dân ùa vào. Đất không, nghề không, văn hóa làng xã lung lay khi bị nhấc ra khỏi nền móng là những gì tạo nên văn hóa và đời sống của một làng Việt Nam ngàn đời, môi trường cảnh quan bị "bê tông hóa"... khiến những làng quê này trở nên trống rỗng, mất dần đi những thứ đáng giá nhất của nó. Làng đã không còn là làng...



LTS: Tuy mới một năm, nhưng có những vùng quê của Hà Nội mở rộng thực sự khởi sắc. Đã có những con đường rộng vắt qua những ngọn đồi mà người dân ở đây đã từng mơ ước hết cả đời người, đã có những mái trường hiện lên như ở trong mơ, đã có những làng quê rực rỡ ánh điện trong đêm… Chúng ta không thể không nói rằng: Một tương lai ngập tràn hạnh phúc và niềm tin đang đến với người dân.

Nhưng bên cạnh những niềm vui ấy là những nỗi lo lắng và cả nỗi sợ đang ngày đêm canh cánh cùng với người dân khi "cơn lốc" của đô thị hoá trùm lên các làng bản còn nghèo khó. Hiện thực cho chúng ta thấy không ít điều tốt đẹp đã bị cuốn đi.

Đâu đó những công trình như dự án đô thị mới, khu du lịch sinh thái, nhà máy, công trường... đã bắt đầu dựng lên một thế giới bê tông ở những nơi mà hàng ngàn năm nay là những vùng thiên nhiên đẹp đẽ, là những làng Việt Nam truyền thống, là nơi trú ngụ những vẻ đẹp thẳm sâu của con người Việt Nam. Và không ít những người dân ở những nơi được đô thị hoá đang sống trong hoang mang về công ăn việc làm trong một tương lai gần đối với họ và con cháu của họ.

Văn minh hoá là con đường tất yếu của một xã hội phát triển. Nhưng nền văn minh ấy phải chứa đựng trong nó những vẻ đẹp của thiên nhiên, của văn hoá truyền thống và phải chứa đựng tính nhân văn cho những con người sống trong nền văn minh ấy.

Vì lẽ đó, những câu chuyện mà VietNamNet sẽ giới thiệu qua loạt bài "Hà Nội sau một năm mở rộng" tuy chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của Hà Nội sau một năm trở thành "đại đô thị", nhưng sẽ mang lại cho chúng ta một cách nhìn, một lời tham vấn để đóng góp cho chính quyền đưa ra những quyết sách hợp lý hơn trong thời gian tới của Hà Nội mở rộng.



"Xóa" làng thành khu đô thị?

Tròn một năm nhóm PV VietNamNet trở lại xã Đông Xuân (trước thuộc Lương Sơn, Hoà Bình, nay về huyện Quốc Oai, Hà Nội), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bon bon ô tô trên 3km đường từ thôn Đồng Âm về trung tâm xã.

Một năm trước, đây còn là con đường mòn vắt ngang quả đồi cao hàng chục mét, chỉ có dấu chân trâu, chân bò như nó vẫn thế hàng trăm năm nay thì bây giờ là đường bê tông rộng 4m xẻ đôi quả đồi hiện lên như một giấc mơ.




Con đường đẹp như mơ đối với người dân xã Đông Xuân
Ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hoà nói vui rằng: "Bên kia đồi (thôn Đồng Âm) chỉ hơn 100 hộ, tính ra mỗi hộ được 30m đường bê tông trong hoàn cảnh xã còn nghèo là…hơi phí. Nhiều người nói với tôi rằng, cả khi mới về Hà Nội rồi, có mơ họ cũng không dám mơ một con đường khang trang vắt ngang quả đồi như vậy”.




Nhân tiện ông Hoà khoe luôn: “Nếu chưa về Hà Nội, thì cũng chưa biết bao giờ xã mới có được một trường tiểu học đúng nghĩa thế này”, nói đoạn, ông Hoà chỉ tay về phía ngôi trường 3 tỷ đang đổ mái tầng 2 nằm ngay sau UB xã. Vậy là từ năm này, xã sắp có trường chuẩn quốc gia hẳn hoi rồi.




Thế nhưng, niềm vui này lại khiến hơn 4.000 dân từ nông dân đến ông Chủ tịch xã Đông Xuân lo lắng hơn. Họ sợ, tới đây, chỉ một dự án được “tái phê” thôi thì cả ngàn người sẽ mất đất, mất nhà. Và con đường, ngôi trường đẹp đẽ kia sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa khi mà họ không biết sẽ làm gì để sống.





900ha ruộng của xã cũng sắp phải giao lại cho dự án này.
Toàn xã Đông Xuân có diện tích gần 1.700 ha đất, nhưng hiện tại đã mất đi gần 400 ha đất rừng và một phần đất ruộng do tỉnh Hòa Bình cấp phép thu hồi đất cho các dự án du lịch sinh thái và dự án khai thác đá.




Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, trước khi lấy đất của dân các doanh nghiệp vào có hứa sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, bảo vệ rừng cho dân. Thế nhưng “lời hứa gió bay”, đã 5 năm rồi, ngay đến tiền hỗ trợ bảo vệ rừng cho dân ở thôn Lập Thành, thôn Đồng Rằng và thôn Đồng Bén doanh nghiệp cũng không chịu trả. Và những người nông dân quá ư trong sáng này giờ ngơ ngác không hiểu lời hứa đang mỗi ngày một rời xa họ kia là thuộc về ai : những doanh nghiệp hay là những người quản lý?




Chưa hết, trong số 1.300ha còn lại của xã này thì có đến 900ha cũng đã có quyết định thu hồi cho dự án Khu đô thị Đông Tiến Xuân do Công ty TNHH một thành viên Sudyco Tiến Xuân làm chủ ngay trước ngày xã này về Hà Nội.




“Dự án này được phê duyệt từ trước khi xã chúng tôi được sát nhập về Hà Nội, nhưng sau đó dự án tạm thời bị dừng lại để chờ quy hoạch của Thành phố. Dự án này có tiếp tục hay không thì chúng tôi chưa biết, nhưng nếu thực hiện thì nói thật, trừ phần núi đá không lấy làm gì, thì coi như… cả xã bị xoá sổ để làm khu đô thị mới. Chả còn nhà dân, đất ruộng, thậm chí đến trụ sở uỷ ban cũng không còn” ông chủ tịch xã nói.




Ông Đinh Công Thân, trưởng thôn Đá Thâm và anh Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch hội nông dân xã cùng tỏ vẻ ngán ngẩm ở khi nói về dự án đô thị mới: Dân lo rằng, nếu được duyệt thì dân không chỉ mất đất ruộng, mà đến cả nhà ở cũng bị thu hồi. Khi đó, chắc vào khu đô thị rồi… nhìn nhau mà sống thôi!




Nỗi buồn trong những ngôi nhà "rỗng"




Từ ngày “đô thị về làng”, nhà cao tầng, mái bằng mọc lên như nấm. Thế mà, chính chủ nhân của nó lại gọi đấy những ngôi nhà “rỗng ruột”.




Tại thôn Yên Lũng (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), chị Trương Thị Tuyết và anh Nguyễn Quang Lâm, cặp vợ chồng 30 tuổi, có hai đứa con nhỏ kể: tiền đền bù ruộng đất đợt đầu được mấy chục triệu, chưa làm được gì đã cạn hết. Năm ngoái, vợ chồng bán nốt hai suất dịch vụ được hơn 400 triệu đồng nên quyết định để dành làm nhà. Nhưng làm đến tầng hai, thì hết tiền, hai vợ chồng lại phải đi vay chạy thêm.





Những ngôi nhà mới vẫn tiếp tục mọc lên tại các vùng mới của Hà Nội mở rộng.
Bây giờ, số tiền nợ của vợ chồng Tuyết lên đến 4,5 chục triệu đồng. Số tiền ấy, đối với nhiều người có thể không phải quá lớn. Nhưng với thu nhập khoảng một triệu từ công thợ xây của chồng và thêm 5,6 trăm nghìn đồng từ nghề may của Tuyết, số tiền chỉ đủ duy trì cuộc sống gia đình thì không biết bao giờ họ mới trả nổi.




Không riêng gì Yên Lũng, xã An Khánh có 5 thôn thì đến 4 thôn đã mất 100% đất sản xuất. Vì vậy, tình cảnh nhiều gia đình các thôn lân cận cũng chẳng khá hơn.




Căn nhà 3 tầng mới xây của cụ Nguyễn Văn Lục, thôn An Thọ trông có vẻ khang trang nhưng chưa được quét sơn ve. Hai vợ chồng cụ năm nay đều ở tuổi 70, đang sống cùng gia đình người con út và 2 cháu nhỏ. Tháng 4/2008, gia đình cụ nhận 270 triệu tiền đền bù cho 6 sào đất canh tác, vừa đủ để xây nhà và mua sắm thêm vài món đồ gia dụng tối thiểu trong gia đình. Tiền hết, gia đình cụ chẳng dám vay tiền mua vôi ve chứ nói gì đến việc sắm đồ.





Ông Nguyễn Văn Lục, ngồi trong ngôi nhà mới xây, nhưng lúc nào cũng lo nghĩ vì không biết món nợ 300 triệu bao giờ mới trả hết.
Còn ông Nguyễn Văn Lục, người thôn An Thọ sau khi nhận được tiền đền bù từ 3 sào ruộng, ông chia đều cho 4 anh con trai để cải tạo nhà cửa. Thấy nhiều người trong thôn bán đất dịch vụ, năm ngoái, ông quyết bán nốt hai suất của mình.




Số tiền thu được, ông chia một phần cho con cháu. Còn lại, ông để xây nhà cho vợ chồng anh con trai út ông đang ở cùng. Tuy nhiên, mới chỉ làm được một tầng thì số tiền bán đất đã hết. Vì vậy, anh con trai phải bán nốt hai suất dịch vụ còn lại để hoàn thiện ngôi nhà.




Thế mà rồi cũng chẳng thấm vào đâu. Bởi, khi ngôi nhà làm xong, dù chưa quét sơn, quét vôi ve gì, số tiền nợ vì làm nhà của ông đã lên đến hơn 3 trăm triệu nữa.




Nhìn ngôi nhà xám xịt xi măng vừa xây xong, thay vì mừng, thì ông Lục lại buồn nẫu ruột. Bởi, với số nợ cả trăm triệu, ông Lục không biết sẽ trả nợ như thế nào vì giờ nhà cũng chẳng còn gì giá trị để mà bán nữa.




"Không có tiền thì không dám đi ăn cỗ. Năm ngoái, có nhiều đám cưới, tôi chỉ dám đến uống nước chè và chúc mừng miệng rồi về ăn cơm rau cơm dưa. Ở làng tôi, những cụ già giờ không có tiền vẫn phải làm như thế nhiều lắm, xấu mặt lắm. Nhưng hỏi xin con trai cũng đâu có được. Nó cũng đang không có việc làm, không có tiền và bế con đi chơi rông khắp làng kia kìa" - ông Lục rầu rầu kể.



Lay lắt hợp tác xã nông nghiệp




Tình trạng nông dân hết đất canh tác đã khiến mô hình hợp tác xã nông nghiệp tại nhiều làng quê khu vực Hà Nội mở rộng đứng trước nguy cơ giải thể hàng loạt, bởi làm gì còn nông dân canh tác mà phục vụ.





Đất vẫn bỏ hoang ở An Khánh
Ông Nguyễn Viết Hướng, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, hiện bốn trong số năm HTX nông nghiệp tại xã đang hoạt động lay lắt chờ ngày giải thể.




Các hợp tác xã vẫn cố gắng giúp đỡ chính quyền hợp tác với một số trường dạy nghề mở lớp học nghề cho con em nông dân, nhưng rất khó khăn trong khâu tuyển sinh. Nguyên nhân là do các lớp học này không hấp dẫn với người dân, bởi những nghề được đào tạo không mang lại thu nhập cao, trong khi học xong, học viên phải tự bươn chải tìm việc làm.




Anh Nguyễn Văn Tiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp thôn Vân Lũng (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) tâm sự, cũng may hợp tác xã của anh còn làm chủ thầu dịch vụ điện tại địa phương nên còn kinh phí để tồn tại. Song, một khi UBND thành phố tiếp quản đường điện để bán trực tiếp cho dân thì mô hình hợp tác xã sẽ tan rã là cái chắc, anh Tiến cho biết.




Cũng vì sợ mô hình hợp tác xã tan rã nên thời gian vừa qua, xã đã tổ chức nhiều chuyến tham quan mô hình hoạt động của hợp tác xã nhiều địa phương lân cận đã mất hết đất trước đó như Phùng Khoang, Trung Văn, Văn Khê… để học hỏi kinh nghiệm.




Theo anh Tiến, tại những địa phương trên, các hợp tác xã thường đứng ra quản lý chợ, xây dựng nhà văn hóa thể thao là dịch vụ để có nguồn thu. Thế nhưng với An Khánh, nếu cũng làm thêm chợ, cũng đầu tư và làm nhà văn hóa thể thao kinh doanh thì chắc chắn sẽ chỉ mắc thêm nợ. Bởi, các khu đô thị thì chả biết bao giờ mới xong và những người có thu nhập thì chẳng biết bao giờ mới chuyển đến nơi này sinh sống.




Nói rồi, anh Tiến đi khép cánh cổng sắt của hợp tác xã đã gỉ sét, gãy hết già nửa và hầu như chẳng còn tác dụng che chắn cho cái trụ sở hợp tác xã của thôn nữa…

Nếu chỉ đứng từ xa mà nhìn những ngôi nhà bê tông cao tầng mọc lên trên những làng quê nghèo khó lâu nay thì ai đó sẽ dễ dàng lầm tưởng rằng đời sống của những người nông dân đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng trong những ngôi nhà ấy là một sự trống rỗng: trống rỗng nghề nghiệp, trống rỗng một con đường cụ thể cho ngày mai của họ. Bởi chính bây giờ, họ không biết sẽ làm gì để sống khi số tiền đền bù cứ từng giờ đập cánh bay đi. Ông cha ta từng nói “miệng ăn núi lở”. Nghe vậy mà nhiều người lo sợ đến mất ngủ. Và vô tình, số tiền đền bù hàng trăm triệu mà những người nông dân đang cầm trong tay lại thành số tiền để họ mua tấm vé cho một chuyến đi. Đó là chuyến đi của sự bất trắc trong tương lai khi họ không có nghề nghiệp và không còn ruộng đất.

Nhóm phóng viên,
Gửi phản hồi