Sunday 2 August 2009

Những làng 'rỗng' và tiền mua sự bất trắc

Một năm sau mở rộng Hà Nội:

Cập nhật lúc 08:14, Thứ Hai, 03/08/2009 (GMT+7)
,
- Một năm quay trở lại, giật mình khi thấy nhiều làng quê của Hà Nội mở rộng đang trở nên "rỗng". Lề lối sinh hoạt làng xã đã đổi thay khi làng không còn ruộng, chẳng còn nhà nông, khi những lối sống không chọn lựa của đời sống thị dân ùa vào. Đất không, nghề không, văn hóa làng xã lung lay khi bị nhấc ra khỏi nền móng là những gì tạo nên văn hóa và đời sống của một làng Việt Nam ngàn đời, môi trường cảnh quan bị "bê tông hóa"... khiến những làng quê này trở nên trống rỗng, mất dần đi những thứ đáng giá nhất của nó. Làng đã không còn là làng...



LTS: Tuy mới một năm, nhưng có những vùng quê của Hà Nội mở rộng thực sự khởi sắc. Đã có những con đường rộng vắt qua những ngọn đồi mà người dân ở đây đã từng mơ ước hết cả đời người, đã có những mái trường hiện lên như ở trong mơ, đã có những làng quê rực rỡ ánh điện trong đêm… Chúng ta không thể không nói rằng: Một tương lai ngập tràn hạnh phúc và niềm tin đang đến với người dân.

Nhưng bên cạnh những niềm vui ấy là những nỗi lo lắng và cả nỗi sợ đang ngày đêm canh cánh cùng với người dân khi "cơn lốc" của đô thị hoá trùm lên các làng bản còn nghèo khó. Hiện thực cho chúng ta thấy không ít điều tốt đẹp đã bị cuốn đi.

Đâu đó những công trình như dự án đô thị mới, khu du lịch sinh thái, nhà máy, công trường... đã bắt đầu dựng lên một thế giới bê tông ở những nơi mà hàng ngàn năm nay là những vùng thiên nhiên đẹp đẽ, là những làng Việt Nam truyền thống, là nơi trú ngụ những vẻ đẹp thẳm sâu của con người Việt Nam. Và không ít những người dân ở những nơi được đô thị hoá đang sống trong hoang mang về công ăn việc làm trong một tương lai gần đối với họ và con cháu của họ.

Văn minh hoá là con đường tất yếu của một xã hội phát triển. Nhưng nền văn minh ấy phải chứa đựng trong nó những vẻ đẹp của thiên nhiên, của văn hoá truyền thống và phải chứa đựng tính nhân văn cho những con người sống trong nền văn minh ấy.

Vì lẽ đó, những câu chuyện mà VietNamNet sẽ giới thiệu qua loạt bài "Hà Nội sau một năm mở rộng" tuy chỉ là một góc nhỏ trong bức tranh toàn cảnh của Hà Nội sau một năm trở thành "đại đô thị", nhưng sẽ mang lại cho chúng ta một cách nhìn, một lời tham vấn để đóng góp cho chính quyền đưa ra những quyết sách hợp lý hơn trong thời gian tới của Hà Nội mở rộng.



"Xóa" làng thành khu đô thị?

Tròn một năm nhóm PV VietNamNet trở lại xã Đông Xuân (trước thuộc Lương Sơn, Hoà Bình, nay về huyện Quốc Oai, Hà Nội), chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bon bon ô tô trên 3km đường từ thôn Đồng Âm về trung tâm xã.

Một năm trước, đây còn là con đường mòn vắt ngang quả đồi cao hàng chục mét, chỉ có dấu chân trâu, chân bò như nó vẫn thế hàng trăm năm nay thì bây giờ là đường bê tông rộng 4m xẻ đôi quả đồi hiện lên như một giấc mơ.




Con đường đẹp như mơ đối với người dân xã Đông Xuân
Ông Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hoà nói vui rằng: "Bên kia đồi (thôn Đồng Âm) chỉ hơn 100 hộ, tính ra mỗi hộ được 30m đường bê tông trong hoàn cảnh xã còn nghèo là…hơi phí. Nhiều người nói với tôi rằng, cả khi mới về Hà Nội rồi, có mơ họ cũng không dám mơ một con đường khang trang vắt ngang quả đồi như vậy”.




Nhân tiện ông Hoà khoe luôn: “Nếu chưa về Hà Nội, thì cũng chưa biết bao giờ xã mới có được một trường tiểu học đúng nghĩa thế này”, nói đoạn, ông Hoà chỉ tay về phía ngôi trường 3 tỷ đang đổ mái tầng 2 nằm ngay sau UB xã. Vậy là từ năm này, xã sắp có trường chuẩn quốc gia hẳn hoi rồi.




Thế nhưng, niềm vui này lại khiến hơn 4.000 dân từ nông dân đến ông Chủ tịch xã Đông Xuân lo lắng hơn. Họ sợ, tới đây, chỉ một dự án được “tái phê” thôi thì cả ngàn người sẽ mất đất, mất nhà. Và con đường, ngôi trường đẹp đẽ kia sẽ chẳng còn nhiều ý nghĩa khi mà họ không biết sẽ làm gì để sống.





900ha ruộng của xã cũng sắp phải giao lại cho dự án này.
Toàn xã Đông Xuân có diện tích gần 1.700 ha đất, nhưng hiện tại đã mất đi gần 400 ha đất rừng và một phần đất ruộng do tỉnh Hòa Bình cấp phép thu hồi đất cho các dự án du lịch sinh thái và dự án khai thác đá.




Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, trước khi lấy đất của dân các doanh nghiệp vào có hứa sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, bảo vệ rừng cho dân. Thế nhưng “lời hứa gió bay”, đã 5 năm rồi, ngay đến tiền hỗ trợ bảo vệ rừng cho dân ở thôn Lập Thành, thôn Đồng Rằng và thôn Đồng Bén doanh nghiệp cũng không chịu trả. Và những người nông dân quá ư trong sáng này giờ ngơ ngác không hiểu lời hứa đang mỗi ngày một rời xa họ kia là thuộc về ai : những doanh nghiệp hay là những người quản lý?




Chưa hết, trong số 1.300ha còn lại của xã này thì có đến 900ha cũng đã có quyết định thu hồi cho dự án Khu đô thị Đông Tiến Xuân do Công ty TNHH một thành viên Sudyco Tiến Xuân làm chủ ngay trước ngày xã này về Hà Nội.




“Dự án này được phê duyệt từ trước khi xã chúng tôi được sát nhập về Hà Nội, nhưng sau đó dự án tạm thời bị dừng lại để chờ quy hoạch của Thành phố. Dự án này có tiếp tục hay không thì chúng tôi chưa biết, nhưng nếu thực hiện thì nói thật, trừ phần núi đá không lấy làm gì, thì coi như… cả xã bị xoá sổ để làm khu đô thị mới. Chả còn nhà dân, đất ruộng, thậm chí đến trụ sở uỷ ban cũng không còn” ông chủ tịch xã nói.




Ông Đinh Công Thân, trưởng thôn Đá Thâm và anh Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch hội nông dân xã cùng tỏ vẻ ngán ngẩm ở khi nói về dự án đô thị mới: Dân lo rằng, nếu được duyệt thì dân không chỉ mất đất ruộng, mà đến cả nhà ở cũng bị thu hồi. Khi đó, chắc vào khu đô thị rồi… nhìn nhau mà sống thôi!




Nỗi buồn trong những ngôi nhà "rỗng"




Từ ngày “đô thị về làng”, nhà cao tầng, mái bằng mọc lên như nấm. Thế mà, chính chủ nhân của nó lại gọi đấy những ngôi nhà “rỗng ruột”.




Tại thôn Yên Lũng (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), chị Trương Thị Tuyết và anh Nguyễn Quang Lâm, cặp vợ chồng 30 tuổi, có hai đứa con nhỏ kể: tiền đền bù ruộng đất đợt đầu được mấy chục triệu, chưa làm được gì đã cạn hết. Năm ngoái, vợ chồng bán nốt hai suất dịch vụ được hơn 400 triệu đồng nên quyết định để dành làm nhà. Nhưng làm đến tầng hai, thì hết tiền, hai vợ chồng lại phải đi vay chạy thêm.





Những ngôi nhà mới vẫn tiếp tục mọc lên tại các vùng mới của Hà Nội mở rộng.
Bây giờ, số tiền nợ của vợ chồng Tuyết lên đến 4,5 chục triệu đồng. Số tiền ấy, đối với nhiều người có thể không phải quá lớn. Nhưng với thu nhập khoảng một triệu từ công thợ xây của chồng và thêm 5,6 trăm nghìn đồng từ nghề may của Tuyết, số tiền chỉ đủ duy trì cuộc sống gia đình thì không biết bao giờ họ mới trả nổi.




Không riêng gì Yên Lũng, xã An Khánh có 5 thôn thì đến 4 thôn đã mất 100% đất sản xuất. Vì vậy, tình cảnh nhiều gia đình các thôn lân cận cũng chẳng khá hơn.




Căn nhà 3 tầng mới xây của cụ Nguyễn Văn Lục, thôn An Thọ trông có vẻ khang trang nhưng chưa được quét sơn ve. Hai vợ chồng cụ năm nay đều ở tuổi 70, đang sống cùng gia đình người con út và 2 cháu nhỏ. Tháng 4/2008, gia đình cụ nhận 270 triệu tiền đền bù cho 6 sào đất canh tác, vừa đủ để xây nhà và mua sắm thêm vài món đồ gia dụng tối thiểu trong gia đình. Tiền hết, gia đình cụ chẳng dám vay tiền mua vôi ve chứ nói gì đến việc sắm đồ.





Ông Nguyễn Văn Lục, ngồi trong ngôi nhà mới xây, nhưng lúc nào cũng lo nghĩ vì không biết món nợ 300 triệu bao giờ mới trả hết.
Còn ông Nguyễn Văn Lục, người thôn An Thọ sau khi nhận được tiền đền bù từ 3 sào ruộng, ông chia đều cho 4 anh con trai để cải tạo nhà cửa. Thấy nhiều người trong thôn bán đất dịch vụ, năm ngoái, ông quyết bán nốt hai suất của mình.




Số tiền thu được, ông chia một phần cho con cháu. Còn lại, ông để xây nhà cho vợ chồng anh con trai út ông đang ở cùng. Tuy nhiên, mới chỉ làm được một tầng thì số tiền bán đất đã hết. Vì vậy, anh con trai phải bán nốt hai suất dịch vụ còn lại để hoàn thiện ngôi nhà.




Thế mà rồi cũng chẳng thấm vào đâu. Bởi, khi ngôi nhà làm xong, dù chưa quét sơn, quét vôi ve gì, số tiền nợ vì làm nhà của ông đã lên đến hơn 3 trăm triệu nữa.




Nhìn ngôi nhà xám xịt xi măng vừa xây xong, thay vì mừng, thì ông Lục lại buồn nẫu ruột. Bởi, với số nợ cả trăm triệu, ông Lục không biết sẽ trả nợ như thế nào vì giờ nhà cũng chẳng còn gì giá trị để mà bán nữa.




"Không có tiền thì không dám đi ăn cỗ. Năm ngoái, có nhiều đám cưới, tôi chỉ dám đến uống nước chè và chúc mừng miệng rồi về ăn cơm rau cơm dưa. Ở làng tôi, những cụ già giờ không có tiền vẫn phải làm như thế nhiều lắm, xấu mặt lắm. Nhưng hỏi xin con trai cũng đâu có được. Nó cũng đang không có việc làm, không có tiền và bế con đi chơi rông khắp làng kia kìa" - ông Lục rầu rầu kể.



Lay lắt hợp tác xã nông nghiệp




Tình trạng nông dân hết đất canh tác đã khiến mô hình hợp tác xã nông nghiệp tại nhiều làng quê khu vực Hà Nội mở rộng đứng trước nguy cơ giải thể hàng loạt, bởi làm gì còn nông dân canh tác mà phục vụ.





Đất vẫn bỏ hoang ở An Khánh
Ông Nguyễn Viết Hướng, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, hiện bốn trong số năm HTX nông nghiệp tại xã đang hoạt động lay lắt chờ ngày giải thể.




Các hợp tác xã vẫn cố gắng giúp đỡ chính quyền hợp tác với một số trường dạy nghề mở lớp học nghề cho con em nông dân, nhưng rất khó khăn trong khâu tuyển sinh. Nguyên nhân là do các lớp học này không hấp dẫn với người dân, bởi những nghề được đào tạo không mang lại thu nhập cao, trong khi học xong, học viên phải tự bươn chải tìm việc làm.




Anh Nguyễn Văn Tiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp thôn Vân Lũng (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) tâm sự, cũng may hợp tác xã của anh còn làm chủ thầu dịch vụ điện tại địa phương nên còn kinh phí để tồn tại. Song, một khi UBND thành phố tiếp quản đường điện để bán trực tiếp cho dân thì mô hình hợp tác xã sẽ tan rã là cái chắc, anh Tiến cho biết.




Cũng vì sợ mô hình hợp tác xã tan rã nên thời gian vừa qua, xã đã tổ chức nhiều chuyến tham quan mô hình hoạt động của hợp tác xã nhiều địa phương lân cận đã mất hết đất trước đó như Phùng Khoang, Trung Văn, Văn Khê… để học hỏi kinh nghiệm.




Theo anh Tiến, tại những địa phương trên, các hợp tác xã thường đứng ra quản lý chợ, xây dựng nhà văn hóa thể thao là dịch vụ để có nguồn thu. Thế nhưng với An Khánh, nếu cũng làm thêm chợ, cũng đầu tư và làm nhà văn hóa thể thao kinh doanh thì chắc chắn sẽ chỉ mắc thêm nợ. Bởi, các khu đô thị thì chả biết bao giờ mới xong và những người có thu nhập thì chẳng biết bao giờ mới chuyển đến nơi này sinh sống.




Nói rồi, anh Tiến đi khép cánh cổng sắt của hợp tác xã đã gỉ sét, gãy hết già nửa và hầu như chẳng còn tác dụng che chắn cho cái trụ sở hợp tác xã của thôn nữa…

Nếu chỉ đứng từ xa mà nhìn những ngôi nhà bê tông cao tầng mọc lên trên những làng quê nghèo khó lâu nay thì ai đó sẽ dễ dàng lầm tưởng rằng đời sống của những người nông dân đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng trong những ngôi nhà ấy là một sự trống rỗng: trống rỗng nghề nghiệp, trống rỗng một con đường cụ thể cho ngày mai của họ. Bởi chính bây giờ, họ không biết sẽ làm gì để sống khi số tiền đền bù cứ từng giờ đập cánh bay đi. Ông cha ta từng nói “miệng ăn núi lở”. Nghe vậy mà nhiều người lo sợ đến mất ngủ. Và vô tình, số tiền đền bù hàng trăm triệu mà những người nông dân đang cầm trong tay lại thành số tiền để họ mua tấm vé cho một chuyến đi. Đó là chuyến đi của sự bất trắc trong tương lai khi họ không có nghề nghiệp và không còn ruộng đất.

Nhóm phóng viên,
Gửi phản hồi

No comments:

Post a Comment